Hiểu rõ luận điệu chống phá công đoàn

12/05/2023 10:35

"Công đoàn Việt Nam chỉ là bù nhìn"; chỉ có "công đoàn độc lập" mới bảo vệ quyền lợi cho người lao động... là luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.


Tổ chức Công đoàn đã tham mưu, đề xuất nhiều thiết chế nhằm bảo đảm quyền và lợi ích cho người lao động. Trong ảnh: Nhà trẻ cho con công nhân của Công ty TNHH Shints BVT (TP Hải Dương) giúp người lao động yên tâm làm việc. Ảnh: Hải Minh

Có thể thấy, chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo, kích động công nhân, người lao động chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà các thế lực thù địch đã và đang tiến hành là hết sức thâm độc, nham hiểm. Đây thực chất là âm mưu nhằm hạ thấp vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam để phục vụ cho mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân ta, làm cho nước ta bị suy yếu, mất đoàn kết. Nếu công nhân, người lao động không tỉnh táo, thiếu bản lĩnh sẽ mắc mưu kẻ xấu, vi phạm pháp luật.

Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, Nhà nước ta ghi nhận và cho phép quyền tự do lập hội của công dân. Nhưng việc lập hội phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật, được Nhà nước Việt Nam công nhận.

Còn cái gọi là “công đoàn độc lập” hay “nghiệp đoàn độc lập” do một số kẻ tự khởi xướng hoàn toàn bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật và không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận. Bề ngoài, chúng tuyên bố “không làm chính trị” nhưng lại câu kết với các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như: Nghiệp đoàn FO, Lao động Việt, Nhóm bạn công nhân (thuộc Việt Tân), Luật khoa tạp chí, Hội nhà báo độc lập... Các tổ chức này hoàn toàn không đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và công nhân, mà thực chất là đội lốt, mượn mũ công nhân để thực hiện mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động.

Thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới cho chúng ta thấy những bài học đắt giá từ sự nhận thức chưa đúng, dẫn đến công nhân bị dẫn dắt bởi các tổ chức “dân sự” như “công đoàn độc lập”, “công đoàn đoàn kết”, “công đoàn tự do”... Các hội, nhóm, tổ chức này sử dụng nhiều chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo công nhân vào cái bẫy của chúng để hình thành lực lượng chống đối chính quyền, lật đổ chế độ nhằm cướp quyền lãnh đạo.

Đối với Việt Nam, tổ chức công đoàn được quy định cụ thể trong Hiến pháp, Luật Công đoàn Việt Nam nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Thực tế nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm này (tất nhiên không tránh khỏi một số tổ chức công đoàn cơ sở hoạt động chưa hiệu quả, song đó chủ yếu là do cán bộ công đoàn ở đó chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm). Thực tiễn đã chứng minh rõ, Công đoàn Việt Nam bảo vệ tốt quyền lợi, chăm lo cho người lao động, như vừa qua, khi công nhân và các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" và tổ chức đầu tư, xây dựng nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí cho công nhân, người lao động...

Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết, không thể thiếu và vai trò, uy tín của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn các cấp hiện nay. Còn cái gọi là “công đoàn độc lập”, "nghiệp đoàn độc lập" không hề và không thể đại diện cho quyền, lợi ích của công nhân, người lao động, mà chỉ là kiểu lợi dụng để thực hiện mưu đồ chính trị. Vì vậy, người dân cần hiểu rõ để tránh mắc mưu các thế lực thù địch, phản động.

CHÍ THỊNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiểu rõ luận điệu chống phá công đoàn