Sống, chiến đấu giữa mênh mông sóng nước, nguy hiểm luôn rình rập, khó khăn vẫn cận kề song những người lính Nhà giàn DK-I luôn vững tâm, an lòng và quyết tâm cao bởi có điểm tựa hậu phương vững chắc.
Vợ chồng bà Bùi Thị Thu Vân động viên con trai trước khi lên đường ra Nhà giàn DK-I
Hãnh diện, tự hào
Dưới cái nắng gắt tại cảng Lữ đoàn 171 (TP Vũng Tàu) vào buổi sáng cuối năm 2022, chị Nguyễn Thanh Thuỷ nổi bật trong tà áo dài rực rỡ. Hỏi ra mới biết chị tiễn em trai là chiến sĩ Nguyễn Thế Huỳnh ra nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK-I. Tiễn biệt nhưng gương mặt hai chị em đều rạng ngời. Chị Thuỷ cho biết ngày hay tin em trai ra nhà giàn công tác, cả nhà vừa mừng, vừa lo. Mừng vì em được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ quan trọng, lo vì em lần đầu đi xa như vậy, liệu có nhanh chóng thích nghi, làm quen với công việc mới hay không. Nhưng gác lại những trăn trở, suy tư, ai nấy trong gia đình đều động viên anh Huỳnh yên tâm công tác.
Bố mẹ đã lớn tuổi, quê lại ở tận Nghệ An nên chị Thuỷ được cả nhà giao nhiệm vụ tiễn em trai đi. Ngày em trai theo tàu ra nhà giàn, chị Thuỷ mặc bộ áo dài đỏ lộng lẫy vì chị muốn lưu lại khoảnh khắc ý nghĩa này để trân trọng, nâng niu trong những quãng ngày về sau. Chị Thuỷ chia sẻ: “Em trai ra nơi đầu sóng nhiều chông gai, thử thách nên tôi càng không được bịn rịn, ủ ê. Em là niềm hãnh diện, tự hào của gia đình. Phải xa nhau dài ngày hai chị em không nói thành lời mà tình cảm chỉ thể hiện qua những cái ôm, cái nắm tay thật chặt”.
Dù đã cố gắng kìm nén cảm xúc nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn trên gò má của bà Cam Ngọc Anh, mẹ chiến sĩ Lê Đình Ngọc Tân (quê ở Bà Rịa-Vũng Tàu) khi tiễn con ra nhà giàn thực hiện nhiệm vụ. Dù vậy, đó không phải là nước mắt của buồn đau mà là xúc động dâng trào. Chồng bà từng là quân nhân, người con trai lớn cũng phục vụ trong quân ngũ, bà đã quen với sự vắng mặt của người thân trong gia đình. Tuy nhiên, lần này lại khác, anh Tân mới 20 tuổi lại công tác ở tiền tiêu xa xôi. Vì thế trong lòng bà gợn chút lo lắng cho người con trai vẫn chưa chín chắn, trưởng thành. Song cảm xúc này cũng không chi phối lâu, gạt ngang dòng nước mắt, bà động viên con tới đơn vị mới cố gắng rèn luyện, tu dưỡng để khi trở lại đất liền sẽ bản lĩnh và vững vàng hơn.
“Nhà giàn cách biệt, con không được nghỉ phép về thăm gia đình. Ngoài ấy thời tiết lại khắc nghiệt, chỉ có sóng gió, bão tố. Thế nhưng nếu không có gian nan thì khó rèn nghị lực. Vợ chồng tôi tự hào vì con mình được lựa chọn xông pha nơi tuyến đầu”.
Chị Nguyễn Thanh Thuỷ trong bộ áo dài lộng lẫy tiễn em trai ra Nhà giàn DK-I nhận nhiệm vụ
Luôn dõi theo
Hơn 10 năm anh Nguyễn Tất Bắc (quê ở Ninh Giang) công tác tại Nhà giàn DK-I cũng là từng đó thời gian ông Nguyễn Tất Bốn luôn dõi theo người con trai cả của gia đình. Vợ chồng ông Bốn có 3 người con thì đều ở xa nhưng ông luôn ưu ái anh Bắc hơn cả vì đặc thù công việc. Từ ngày anh nhận nhiệm vụ tại nhà giàn, số lần anh Bắc về quê thăm bố mẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay và thời gian mỗi lần về cũng vỏn vẹn vài ngày. Nhớ con, thương con, song ông Bốn chỉ giấu ở trong lòng bởi tình cảm riêng tư có là gì khi anh Bắc đang thực hiện nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Vậy nên, mỗi lần anh Bắc gọi điện về ông chỉ hỏi han tình hình sức khoẻ, công việc, động viên con khắc phục khó khăn, dốc sức, dốc lòng với công việc được giao phó. “Từ ngày con ra nhà giàn, tôi quan tâm hơn tới thông tin về biển đảo. Dù không có hình ảnh hay thông tin về con được đăng tải, phát sóng nhưng tôi vẫn thấy an lòng bởi ở nơi đó con tôi đang ngày đêm canh giữ biển trời”, ông Bốn nghẹn ngào nói.
Con trai nhập ngũ, đóng quân tại Tiểu đoàn DK-I (TP Vũng Tàu), bà Bùi Thị Thu Vân không quá lo lắng vì đơn vị gần nhà. Thỉnh thoảng chiến sĩ Nguyễn Trọng Hiếu vẫn nghỉ phép về thăm gia đình và đôi khi vợ chồng bà cũng tới đơn vị thăm con. Ngày con nhận lệnh ra nhà giàn làm nhiệm vụ, bà Vân cũng suy tư nhiều. Ở nơi bão táp, mưa sa, đời sống sinh hoạt còn khó khăn nên để có thể chắc tay súng phải có bản lĩnh, ý chí quật cường. Trước khi con đi xa, bà cũng chủ động tìm hiểu về các nhà giàn, biết được các lớp thế hệ trước đã hy sinh, cống hiến để nhà giàn luôn vững chãi, chủ quyền biển đảo luôn được bảo vệ. Vì thế thay vì buồn bã, bà Vân phấn chấn, tin tưởng con trai sẽ tiếp nối truyền thống của các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Ở đất liền, gia đình luôn dõi theo, ủng hộ anh Hiếu vững vàng, kiên định, vượt lên khó khăn để trở thành người lính quả cảm, không ngại hy sinh, gian khổ. Bà Vân xúc động nói: “Con tôi tới nơi gian khổ để đổi lại bình yên biển đảo. Cuộc sống nơi đầu sóng có thể còn thiếu thốn song bù lại là tinh thần, quyết tâm cống hiến không gì sánh bằng”.
Giữa trùng khơi xa xôi, xung quanh chỉ có mây trời, sóng biển, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK-I vẫn mạnh mẽ, hiên ngang để bảo vệ “thành luỹ thép” ở thềm lục địa phía nam. Hậu phương luôn hướng về phía đông, nơi có người thân, đồng chí, đồng đội sẵn sàng giấu nỗi niềm riêng, một lòng vì chủ quyền dân tộc. Còn ở ngoài khơi xa, lính nhà giàn mãi hướng về phía tây bởi nơi đó là nhà, là quê hương, là hậu phương vững chắc.
NGUYỄN MƠ