Dịp áp Tết Quý Mão 2023, phóng viên Nguyễn Mơ của Báo Hải Dương đã theo chân đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tới nơi tiền tiêu xa xôi này ghi lại những gian lao cán bộ, chiến sĩ nhà giàn trải qua để chắc tay súng, hiên ngang sống, chiến đấu giữa biển cả mênh mông.
Những người lính trẻ nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK-I luôn quyết tâm được cống hiến, chiến đấu vì chủ quyền biển đảo quê hương
Nhà giàn DK-I (Cụm Dịch vụ kinh tế-Khoa học kỹ thuật) nằm rải rác ở thềm lục địa phía nam không chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, thăm dò biển, là điểm tựa cho ngư dân bám biển mà còn là cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuổi đời còn trẻ, tuổi quân chưa nhiều nên những chiến sĩ lần đầu tiên ra nhà giàn DK-I nhận nhiệm vụ coi đây là niềm vinh dự khi được giao phó trọng trách lớn lao.
Bồi hồi
Trung sĩ Đặng Xuân Hoàng (quê ở Nam Định) năm nay vừa tròn 20 tuổi háo hức khi được điều động ra công tác tại nhà giàn DK-I trong dịp giao quân đầu năm 2023. Đã quen với việc tự lập, xa gia đình để rèn luyện trong môi trường quân đội song đây là lần đầu anh Hoàng thấm thía sự xa xôi, cách trở. 300 hải lý trong mùa biển động càng gia tăng cách biệt giữa đất liền với biển đảo. Trước mắt là thử thách nhưng gương mặt anh Hoàng vẫn rạng ngời xen lẫn hồi hộp vì được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ canh giữ thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Anh Hoàng nói đầy tự hào: “Nếu bảo không lo lắng thì không phải vì tôi chưa đi biển, lại đi xa dài ngày bao giờ. Tôi nghe kể chiến sĩ canh đảo đã kiên cường thì lính nhà giàn phải nghị lực hơn nhiều. Do đó, khi quyết tâm nhận nhiệm vụ, tôi đã tự hứa phải nỗ lực không ngừng để xứng đáng là bộ đội Cụ Hồ”.
Được lựa chọn thay quân tại Nhà giàn DK-I/10, suốt hành trình hơn 10 ngày lênh đênh trên biển, hạ sĩ Huỳnh Tấn Đạt (quê ở TP Hồ Chí Minh) cũng có nhiều suy tư. Gác lại những dự định riêng, chàng trai trẻ sinh năm 2003 quyết định nhập ngũ, có nguyện vọng được cống hiến tại Nhà giàn DK-I. Sau khoá huấn luyện ngắn ngày tại Tiểu đoàn DK-I, mong muốn của anh Đạt đã thành sự thật. Những ngày trên tàu Trường Sa 21 để tới đơn vị, anh Đạt năng nổ giúp đỡ các thành viên trong đoàn vượt qua cơn say sóng. Anh hỏi han tình hình sức khoẻ từng người, hỗ trợ việc đưa cơm, lấy thuốc. Thỉnh thoảng, anh lại lân la hỏi chuyện các thuỷ thủ về nhà giàn với sự háo hức, tò mò. Anh Đạt chia sẻ: “Dù đã xác định tâm lý song trước sóng to, gió lớn, người trước đây chưa lần nào đi biển như tôi cũng thấy mệt mỏi, uể oải. Thế nhưng khi nhớ lại những bài học, những buổi tập huấn trong đất liền, tôi lại thêm vững tinh thần. Vì thế mà cơn say sóng nhanh chóng qua đi, tôi có thêm động lực và càng tự tin có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi đầu sóng”.
Quyết tâm
Lính hải quân đã bản lĩnh thì lính Nhà giàn DK-I càng phải can trường hơn. Giữa biển cả bao la, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không có nghỉ phép. Hầu hết các nhà giàn mới phủ sóng mạng viễn thông 2G, chỉ có thể nghe, gọi điện thoại chứ chưa thực hiện được cuộc gọi video để nhìn thấy người thân, gia đình. Do đó, những tân binh muốn gói ghém nỗi niềm riêng, chuyên tâm vì mục tiêu chung cần có quyết tâm cao.
Sĩ quan điều hành tàu Trường Sa 21 động viên chiến sĩ trẻ trước khi nhận nhiệm vụ tại Nhà giàn DK-I
Chiến sĩ Nguyễn Đức Huy (quê ở Đồng Nai) ra nhà giàn đúng mùa gió chướng, biển động cấp 6, cấp 7, có thời điểm cấp 8. Sóng gió dữ dội khiến con tàu 2.000 tấn đưa anh ra nhà giàn cũng chòng chành, chênh vênh. Thế nhưng dù thời tiết khắc nghiệt cũng không thể khiến lòng người chiến sĩ trẻ xao động. Anh Huy cho biết trước khi nhận nhiệm vụ tại nhà giàn, anh cùng đồng đội được đào tạo các kỹ năng cơ bản để có thể thích nghi với điều kiện sóng gió. Và điều quan trọng hơn cả là tư tưởng, tinh thần không ngại khó, không ngại khổ. Anh đã tìm hiểu mọi điều về nhà giàn, từ lịch sử hình thành tới điều kiện sinh hoạt nên những khó khăn, kể cả thiếu thốn càng làm anh thêm quyết tâm đóng góp một phần nhỏ bé bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. “Tôi vinh dự khi được đứng trong hàng ngũ của những người lính nhà giàn. Có mất mát, có hy sinh nhưng quan trọng hơn cả, các nhà giàn vẫn vững chãi giữa biển khơi”.
Mỗi lần giao quân cho các nhà giàn DK-I là thượng tá Nghiêm Xuân Thái, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn DK-I lại nghẹn ngào, xúc động. Nhiều năm sống, chiến đấu trên các nhà giàn nên khi thấy những tân binh hăng hái nhận nhiệm vụ nơi tuyến đầu thì người lính dày dặn kinh nghiệm như thượng tá Thái lại đan xen nhiều cảm xúc khó tả. Tự hào vì lớp kế cận sẽ viết tiếp lịch sử ông cha, lo lắng vì sợ giữa trùng khơi, người lính trẻ sẽ khó thích nghi. Vì thế trong suốt hành trình giao quân, ông luôn hỏi han từng chiến sĩ, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vừa khích lệ, động viên để những người lính trẻ vơi bớt nỗi nhớ đất liền, vững tâm và quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Những người lính trẻ luôn khát khao được cống hiến song chưa đủ dạn dày để có thể vượt qua được khó khăn, vất vả khi nhận nhiệm vụ tại nhà giàn, nhất là nỗi nhớ người thân, quê hương, đất liền. Bão lòng âm thầm nhưng nhiều khi còn khủng khiếp hơn bão biển. Do vậy phải quan tâm kịp thời để hun đúc ý chí, bản lĩnh cho họ. Có thế sức trẻ mới bền bỉ chiến đấu và chiến thắng”, ông Thái nói.
Giao quân mùa biển động nhưng những người lính trẻ vẫn giữ vững tinh thần “còn người, còn nhà giàn”. Biển cả mênh mông, lúc dịu êm khi lại dữ dằn, còn người lính nhà giàn chỉ có một tâm thế là sống, chiến đấu vì chủ quyền biển đảo quê hương.
NGUYỄN MƠ