Trên tuyến đường sắt hà Nội - Hải Phòng đoạn chạy qua Hải Dương có rất nhiều những lối đi tự mở, đường ngang dân sinh đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
So với nhiều tỉnh khác, Hải Dương là tỉnh có tuyến đường sắt chạy song song và sát với đường bộ (tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng và quốc lộ 5). Với chiều dài trên 40 km nhưng lại “tồn tại” rất nhiều những lối đi tự mở, đường ngang dân sinh cắt ngang đường sắt cùng hệ thống phòng vệ không đồng bộ đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.
Lối đi tự mở qua đường sắt tại huyện Kim Thành
Tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương có tổng chiều dài là 45,6 km, đi qua 4 huyện, thành phố gồm: Cẩm Giàng, TP. Hải Dương, Thành Hà, Kim Thành.
Theo thống kê vào đầu năm 2019 của Công an tỉnh, trên tuyến đường này thời điểm đó có khoảng 37 đường ngang và 168 lối đi tự mở. Trong đó, đoạn qua huyện Kim Thành có chiều dài 16,2 km nằm trên 7 xã nhưng đã có tới 15 đường ngang và 131 lối đi tự mở, đấu nối trực tiếp với quốc lộ 5.
Việc tồn tại của các đường ngang, lối đi tự mở còn nhiều là do chưa có kinh phí xây dựng đường gom nên tại đây luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường sắt. Đây cũng được coi là tuyến đường xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất trong các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh.
Lối đi tự mở qua đường sắt tại huyện Kim Thành |
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, tại huyện Kim Thành đã xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông khiến 22 người chết, 12 người bị thương. Tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông, số người chết, người bị thương tăng 100 – 140% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số huyện khác như huyện Thanh Hà cũng xảy ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Điển hình như vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ngày 21.3.2019. Chị Nguyễn Thị Mai Khanh (45 tuổi, trú phố Quán Thánh, TP Hải Dương) và chị Phạm Thị Tới (49 tuổi, trú xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc) điều khiển xe máy chạy từ khu dân cư Vũ Thượng (phường Ái Quốc, TP Hải Dương) ra quốc lộ 5 thì bị tàu LP3 đang lưu thông theo hướng Hà Nội – Hải Phòng tông trúng khiến chị Mai Khanh và chị Tới tử vong tại chỗ.
Rào chắn nhưng người dân vẫn thường lách để băng qua đường |
Trước đó, vào chiều 13.3, cũng trên đoạn đường này đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm tiếp theo khi tàu hỏa đã đâm vào ô tô chở 5 người. Hậu quả làm 2 người chết, 3 người bị thương.
Sau khi 2 vụ tai nạn xảy ra, người dân xung quanh cho rằng, nhiều khả năng khi điều khiển xe máy đến đây, người đi xe đã quan sát không kỹ xung quanh và vẫn băng qua đường sắt khi tàu đang đến gần. Bởi khu vực xảy ra tai nạn có khá nhiều cây lớn che khuất tầm nhìn, điểm giao cắt thông ra quốc lộ 5 cũng không có barie, đèn tín hiệu hay còi cảnh báo.
Trao đổi với phóng viên, ông Uông Đình Hùng, Phó trường Phòng Vận tải – An toàn giao thông Cục Đường sắt Việt Nam cũngcho biết, về lâu về dài phải xây dựng hàng rào, đường gom và các công trình phụ trợ như đường ngang, cầu vượt, hầm chui qua đường sắt để thực hiện xóa bỏ toàn bộ lối đi tự mở qua đường sắt theo lộ trình.
Theo đó, đến hết 2020, tập trung xóa bỏ các lối đi tự mở trên địa bàn khu vực đông dân cư thuộc các khu đoạn đường sắt có tốc độ và mật độ chạy tàu cao; các lối đi tự mở là vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt. Đến năm 2025, xóa bỏ toàn bộ các lối đi tự mở còn lại trên các tuyến đường sắt; Hoàn thành việc xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường quốc gia.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù một số đường ngang và lối đi tự mở qua đường sắt tại Hải Dương đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý như cắm biển chú ý tàu hỏa, thu hẹp lối đi, xây dựng gờ giảm tốc hoặc cải tạo, nâng cấp lắp đặt cần chắn tự động…Nhưng ở tại một số xã thuộc địa phận huyện Kim Thành như xã Kim Lương, Tuấn Hưng… còn nhiều điểm chưa được xử lý triệt để. Dẫn đến việc người dân vẫn có “cơ hội” “tận dụng” các lối đi tự mở để băng qua đường. Thậm chí, một số lối đi dù đã được thu hẹp lại nhưng người dân vẫn cố tình đẩy đổ các cột chắn hoặc lách qua để băng sang đường…
Để giảm thiểu tai nạn giao thông và ngăn chặn hành vi “mạo hiểm tính mạng”, thiếu ý thức như trên của người dân, việc xóa bỏ triệt để các đường đi ngang, lối đi tự mở qua đường sắt là vấn đề rất bức thiết, cần sự quan tâm và xử lý gắt gao hơn nữa từ các cấp các ngành liên quan.
Theo Pháp luật Việt Nam