75 năm qua, hệ thống chính trị Việt Nam không ngừng được củng cố, phát triển, hoàn thiện, ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần mang lại những thành tựu to lớn cho đất nước.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu sự hình thành một hệ thống chính trị dân chủ nhân dân đầu tiên. Từ đó đến nay, trải qua 75 năm, đặc biệt sau hơn 30 năm đổi mới, hệ thống chính trị Việt Nam không ngừng được củng cố, phát triển, hoàn thiện, ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần mang lại những thành tựu to lớn cho đất nước.
Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, nhận thức rõ về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Ngày 6.1.1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên được tổ chức, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đất nước có Quốc hội, Chính phủ, Hiến pháp và hệ thống chính quyền đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về cả đối nội và đối ngoại.
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu
Sau khi đất nước được thống nhất, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 9.1975 đã đề ra nhiệm vụ hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ngày 25.4.1976, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung được tổ chức trên toàn quốc. Quốc hội quyết định: Lấy tên nước là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng; Quốc ca là bài Tiến quân ca; Thủ đô là Hà Nội; đổi tên TP Sài Gòn là TP Hồ Chí Minh.
Việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy toàn diện sức mạnh phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên CNXH, có những khả năng to lớn để bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Cùng với việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, Đảng ta cũng nhận thức rõ về con đường đi lên CNXH. Từ Đại hội II của Đảng (tháng 2.1951), Đảng ta đã xác định phương hướng và những điều kiện để tiến lên CNXH. Đến Đại hội VI của Đảng (tháng 12.1986), Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện dựa trên điều kiện, hoàn cảnh đất nước và nhận thức rõ hơn những vấn đề của thời kỳ quá độ lên CNXH. Tiếp đến, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH do Đại hội VII đề ra (tháng 6.1991) và Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) năm 2011 được thông qua tại Đại hội XI là quá trình không ngừng phát triển nhận thức về CNXH và con đường XHCN dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn đổi mới của Việt Nam.
Theo đó Đảng đã nhận thức sâu sắc về dân chủ XHCN, vai trò và quyền làm chủ của nhân dân; về vị trí trung tâm của kinh tế-xã hội; về vai trò nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh của văn hóa, vai trò chủ thể, động lực phát triển của con người; về vai trò, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; về sự gắn bó dân tộc và nhân loại, quốc gia và quốc tế. Từ đó, cụ thể hóa, bổ sung, làm sáng tỏ hơn phương hướng phát triển đất nước theo tư duy mới gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng chất lượng, hiệu quả; xây dựng văn hóa, con người; bảo đảm an ninh, quốc phòng; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Từng bước hoàn thiện và phát triển thể chế, hệ thống chính trị
- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Ngay từ khi thành lập, Đảng luôn lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho việc xây dựng tổ chức và hoạt động của mình, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.
Trong những thập kỷ qua, xây dựng tổ chức bộ máy của Đảng có bước chuyển biến mạnh mẽ. Các quy định, nguyên tắc, cơ chế vận hành tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện. Các văn bản về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng liên tục được bổ sung, được cụ thể, toàn diện, đồng bộ hơn. Bộ máy của Đảng được đẩy mạnh sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị tiếp tục được đổi mới. Vai trò, thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo hệ thống chính trị được xác định rõ hơn. Dân chủ trong Đảng ngày càng được phát huy. Đảng ngày càng khẳng định năng lực hoạch định đường lối, chủ trương lãnh đạo, tư duy chiến lược và năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương đó trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.
- Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Quốc hội đã có những bước đổi mới quan trọng, từ khâu bầu cử đại biểu Quốc hội đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động. Quốc hội hoạt động thường xuyên hơn, ngày càng dân chủ hơn. Hoạt động giám sát và thảo luận, quyết định các vấn đề lớn của quốc gia có chất lượng và thực chất hơn. Quốc hội đã làm tốt hơn chức năng lập pháp, ban hành Hiến pháp năm 1992 và sửa đổi Hiến pháp vào năm 2001, ban hành Hiến pháp 2013. Chỉ tính số lượng các đạo luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành từ 1986-2016 đã gấp gần 8 lần số lượng luật, pháp lệnh ban hành trong 41 năm về trước (483/63); trong 4 năm 2016-2020, Quốc hội đã ban hành 65 luật và 99 nghị quyết, trong đó có nhiều đạo luật quan trọng; đồng thời có một số đạo luật mới, lần đầu tiên được Quốc hội ban hành như: Luật An ninh mạng, Luật Quản lý ngoại thương, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia …
Chính phủ có những thay đổi rõ rệt từ cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động. Giai đoạn 2011-2020, cơ cấu tổ chức, bộ máy của Chính phủ được sắp xếp, điều chỉnh, giảm đầu mối theo hướng tổ chức các bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Đã giảm 3 đầu mối trực thuộc Trung ương, 61 đầu mối trực thuộc cấp tỉnh, 485 đầu mối trực thuộc cấp huyện; giảm hơn 4.100 đơn vị sự nghiệp công lập, gần 15.200 cấp trưởng, phó, tinh giản 97.900 biên chế. Bên cạnh đó, cải cách hành chính được đẩy mạnh giúp loại bỏ nhiều thủ tục, văn bản nhũng nhiễu, gây phiền hà. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả; trong đó đã tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm và công khai kết quả xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Hệ thống các cơ quan tư pháp đã có những bước cải tiến. Chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các cơ quan tư pháp ngày càng được phân định rõ ràng hơn. Trong xét xử đã có quy trình khoa học hơn, nâng cao hiệu quả. Việc thực hiện các thủ tục tố tụng ngày càng tốt hơn, hạn chế được tình trạng điều tra, truy tố, xét xử oan, sai hay bỏ lọt tội phạm. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên.
Hoạt động của chính quyền địa phương cũng đã đổi mới, giảm bớt hình thức và đi vào thực chất, thiết thực và dân chủ hơn. Hội đồng nhân dân có vai trò lớn trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ủy ban nhân dân các cấp thích nghi dần với những yêu cầu quản lý mới trong điều kiện kinh tế thị trường.
- Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội
Hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. MTTQ và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực, cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần tích cực vào những thành tựu của đất nước.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa ngày càng được phát huy
Những đổi mới trong từng bộ phận cấu thành hệ thống chính trị và mối quan hệ qua lại giữa các bộ phận đã góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ xã hội. Dân chủ trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, hoạt động khoa học có những kết quả nổi bật đã góp phần làm cho dân chủ trong xã hội có bước phát triển toàn diện.
Việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân đã tạo những điều kiện và cơ hội quan trọng để người dân tham gia vào quá trình chính trị, các công việc nhà nước, thể hiện cả quyền, năng lực, trách nhiệm của mình trong xây dựng và thực thi dân chủ. Các cấp ủy đảng, chính quyền lắng nghe, tăng cường đối thoại với nhân dân, tôn trọng các ý kiến khác nhau. Dân chủ trong Đảng, trong các tổ chức và xã hội được mở rộng. Tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước được coi trọng. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ngày càng có hiệu quả hơn.
Cùng với đó, hệ thống pháp luật được bổ sung, sửa đổi; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác tiếp dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; ban hành các quy định về chế độ công chức nhà nước trong hoạt động công vụ; chú trọng công tác thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân; ban hành và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Tỏa sáng khi đất nước đối mặt với đại dịch COVID-19
Tính ưu việt, giá trị nhân văn của hệ thống chính trị tiếp tục tỏa sáng khi nước ta phải đối mặt với sự bùng phát của đại dịch COVID-19. Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo các cấp, ngành nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời có những giải pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19; các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở Trung ương và từng địa phương… đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những thông tin sai sự thật. Nhân dân ta đã thể hiện sự bình tĩnh, chủ động cùng cấp ủy, chính quyền các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn. Chính nhờ có sự nỗ lực lớn, chung sức, đồng lòng, chúng ta đã và đang kiềm chế và kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh.
Với giá trị nhân văn được đề cao, sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết và trước hết. Trong khó khăn, thách thức của đại dịch, không có sự phân biệt đối xử và không có ai bị bỏ lại phía sau.
Các chính sách đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước vừa qua trong phòng, chống dịch COVID-19 nhận được đồng tình, ủng hộ rộng khắp của người dân Việt Nam. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ… đã tự nguyện đóng góp, ủng hộ, trao tặng hàng trăm tỷ đồng, nhiều thiết bị y tế phục vụ điều trị, cách ly phòng, chống dịch, chăm sóc y tế cho cộng đồng.
Thể hiện vai trò là lực lượng nòng cốt, trụ cột quốc gia, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân không chỉ sẵn sàng nhường nhà, nhường giường để nhân dân có chỗ ở trong thời gian cách ly theo quy định, mà còn thức khuya, dậy sớm lo cho dân từng suất ăn; theo dõi chặt chẽ, kỹ lưỡng tình hình sức khỏe. Trong suốt nhiều ngày qua đã có biết bao tin, bài, ảnh được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi về phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ. Chính từ những tấm gương ngời sáng ấy của Bộ đội Cụ Hồ từ những việc làm, hành động bình dị đã lan tỏa tình yêu Tổ quốc, làm lay động hàng chục triệu trái tim…
Cùng với đó là “đội quân”, những công dân tình nguyện đã tham gia phòng, chống đại dịch, đi đầu là những cán bộ, nhân viên ngành y tế (những chiến binh áo trắng), sinh viên, học sinh các trường y, kể cả người trong ngành y đã nghỉ hưu trên cả nước. Ngoài ra, còn biết bao người, những tấm gương ở mọi giới, người già, người trẻ trên khắp mọi miền của đất nước đã và đang thầm lặng tham gia hỗ trợ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, địa phương và các ban, ngành cùng phòng, chống dịch bệnh... Tấm lòng “máu chảy ruột mềm”, nghĩa cử “đồng bào”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” đang cuồn cuộn chảy trong “dòng giống Tiên Rồng”. Chỉ có hệ thống chính trị Việt Nam mới có tính ưu việt, giá trị nhân văn lan tỏa và có sức mạnh to lớn đến vậy. Đây là minh chứng thuyết phục nhất về bản chất tốt đẹp của hệ thống chính trị XHCN ở Việt Nam.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình của Đảng, trải qua 75 năm, hệ thống chính trị nước ta ngày càng tỏ rõ tính ưu việt, giá trị nhân văn sâu sắc; tạo cơ sở, tiền đề cho việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Theo TTXVN