Hãy ngợi khen ngay cả khi họ không có huy chương

18/05/2023 20:08

Họ đã cống hiến hết mình vì màu cờ, sắc áo, vì một nền thể thao Việt Nam và sự nghiệp thể thao Hải Dương vững mạnh.

SEA Games 32 đã kết thúc sau hơn 10 ngày thi đấu ở đất nước Chùa Tháp.

Trong thời gian diễn ra SEA Games 32, báo chí, mạng xã hội ngợi ca các vận động viên giành nhiều huy chương, miêu tả sự bền bỉ, nỗ lực đi lên từ gian khó của vận động viên ấy. Cả đời tư, hoàn cảnh gia đình cũng được khai thác, để bạn đọc có thể hình dung, để có được tấm huy chương danh giá, vận động viên đã phải nỗ lực, hy sinh, cống hiến thế nào.

Trên mạng xã hội, có người gọi SEA Games là "giải ao làng". Đó không chỉ là cách nói phiến diện của người không hiểu biết gì về thể thao, không hiểu gì về vận động viên, huấn luyện viên, mà còn là xúc phạm danh dự, gạt bỏ sự nỗ lực, âm thầm chịu đựng hy sinh của những người làm thể thao.

Tôi đã nhiều lần đến các sàn tập của vận động viên. Những chiều hè đổ lửa, các cô bé, cậu bé mồ hôi đầm đìa để hoàn thành giáo án. Ở giờ ấy, tuổi ấy, những cô bé, cậu bé khác đang ngồi trong phòng máy lạnh. Hầu hết vận động viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Và họ coi thể thao là cách để vươn lên, đổi thay cuộc sống. Dù nhỏ tuổi, dù tự lập khi phải sống xa gia đình hàng chục năm trời, nhưng mỗi vận động viên đều nuôi dưỡng trong mình chí lớn, mong một ngày bước đến đài vinh quang, vì danh dự, vì niềm tự hào của thể thao Việt Nam. Trong 16 tấm huy chương của các vận động viên Hải Dương ở kỳ SEA Games này, có những tấm huy chương giành được từ các vận động viên ấy.

Có mấy người biết, vận động viên giành 3 huy chương vàng, phá kỷ lục ở kỳ SEA Games này đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Từ SEA Games trở về, cô lặng lẽ về quê nhà Bình Giang, đặt 3 tấm huy chương lên bàn thờ để mừng công cùng cha mẹ. Đây là huy chương vàng thứ năm cô giành được sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp và 2 lần phá kỷ lục SEA Games. Một tấm huy chương vàng khác ở môn cử tạ sau 7 kỳ đại hội Hải Dương mới góp mặt, giành được từ tay một chàng shipper. Gia đình khó khăn, tranh thủ lúc rảnh rỗi, anh phải đi giao hàng để trang trải cuộc sống...

Mọi lời ngợi ca cho vận động viên là không đủ, vì họ xứng đáng. Để có được một tấm huy chương, họ đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, nước mắt cả và máu trên sàn tập, trên sàn thi đấu. Những tấm huy chương ấy, không chỉ của riêng vận động viên mà là cả sự hy sinh, cống hiến của các huấn luyện viên và gia đình của họ. Nhiều vận động viên tập luyện đằng đẵng mười mấy năm trời, chỉ để bước lên sàn thi đấu trong khoảng khắc tính bằng giây. Thậm chí, nhiều người tập luyện cả đời vận động viên cũng chưa từng được lên sàn thi đấu.

Ở kỳ SEA Games này, dù các vận động viên Hải Dương giành ít huy chương hơn kỳ trước, nhưng những tấm huy chương ấy càng quý giá hơn, vì nhiều môn thế mạnh của Hải Dương không có trong chương trình thi đấu.

Hãy dành lời ngợi khen cho tất cả vận động viên, cả khi họ không có huy chương. Họ đã cống hiến hết mình vì màu cờ, sắc áo, vì một nền thể thao Việt Nam và sự nghiệp thể thao Hải Dương vững mạnh.

Cũng cần nói thêm tại kỳ SEA Games này, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên. 702 vận động viên tham gia thi đấu 30 trong tổng số 36 môn thể thao, 447 trong tổng số 583 nội dung tại đại hội. Đoàn thể thao Việt Nam giành 355 huy chương, trong đó có 136 huy chương vàng, 105 huy chương bạc và 114 huy chương đồng, đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

Còn nhớ, ở SEA Games 31, khi Việt Nam là chủ nhà, 3 huấn luyện viên, 11 vận động viên người Hải Dương giành 11 huy chương vàng, 7 huy chương bạc và 5 huy chương đồng, trong đó môn lặn phá 2 kỷ lục. Còn tại kỳ SEA Games này, tại các đội tuyển quốc gia, 13 vận động viên, 1 huấn luyện viên kiêm vận động viên Hải Dương góp mặt ở 6 môn, giành được 7 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 5 huy chương đồng, phá 3 kỷ lục. 4 huy chương vàng cá nhân và đồng đội do 2 nữ vận động viên giành được. Tất cả môn thi đấu đều có huy chương.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hãy ngợi khen ngay cả khi họ không có huy chương