Nhà văn Nguyễn Phúc Lai vừa công bố tập kịch bản văn học "Động đất" gồm ba vở chính kịch: "Làng Liêu Xá ở xa" (1978), "Hãy chiều quý Lan Hương" (1986), "Động đất" (2011). Nội dung "Động đất" chưa phải là toàn bộ mâu thuẫn đời sống xã hội sau 1975 nhưng người viết phát hiện được những xung đột mang tính kịch khi chúng ta tiến hành đổi mới.<br>
Sau khi nước nhà thống nhất, Đảng ta chủ trương vận động đồng bào miền Bắc vào Nam xây dựng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thành những vùng kinh tế có tầm địa - chính trị, địa - kinh tế chiến lược trọng điểm của đất nước. Nguyễn Phúc Lai chọn Đội sản xuất số 5 (Liêu Xá) ở nông trường Đắc Doong làm bối cảnh thể hiện xung đột. Đến với Tây Nguyên, mỗi người Liêu Xá có một tâm thế khác nhau. Có người mang theo tập quán lao động tập thể bằng tinh thần cách mạng tiến công. Tiêu biểu cho tinh thần ấy là lớp thanh niên trẻ, hăng hái, nhiệt tình như Thuận, Mão, Hồng, Khoa, Phước. Họ "đi kinh tế mới như đi chiến đấu. Đảng cử, dân cử, đoàn thể cử, thanh niên trong xã xung phong, cán bộ Đoàn phải gương mẫu".
Trong số người đến với Tây Nguyên, ông Khung có suy nghĩ khác. Ông vào Đắc Doong để tránh "thế bất lợi" tại quê, để chứng tỏ mình là cán bộ sẵn sàng nhận khó khăn trước Đảng và chờ thời cơ trở lại giữ chức vụ cao hơn, nhất là tránh được dư luận về việc chiếm dụng sào đất thổ cư ở Cổng Trông. Trong đầu lởn vởn những điều không đẹp như vậy, làm sao ông hết lòng với việc khẩn hoang làm lợi cho nông trường? Ngược lại, ông trổ hết khả năng tính toán kiểu tiểu nông để làm những điều không minh bạch...
Đọc "Làng Liêu Xá ở xa", ta có thể tưởng tượng tính hài trong hình tượng Khung. Tác giả đưa mâu thuẫn thành cao trào xung đột giữa Khung với Thuận, với Khoa, với Phước, với Đam. Cuối cùng, nhà văn giải quyết bằng chi tiết để Khung hành động trên đường về Bắc đã "cầm nhầm" đoạn ống dẫn nước của đội cơ khí do con ông làm đội trưởng. Việc làm trên tạo hậu quả nghiêm trọng, vô hiệu hóa dàn tưới - khiến vườn ươm bị cháy. Vì bảo vệ danh dự cho bố, Khoa trở thành người phản bội lẽ phải, đánh mất niềm tin của đồng bào dân tộc nơi anh từng chiến đấu bảo vệ họ, được họ cưu mang. Cuối cùng, anh mất luôn tình yêu nơi Thuận.
Cùng viết về phẩm chất con người, "Hãy chiều quý Lan Hương" phản ánh thành công mâu thuẫn trong đội ngũ ngành y. Chuyện xảy ra quanh nhân vật Khả - biệt danh Khả khùng. Là bác sĩ có bàn tay vàng, Khả thành công nhiều ca mổ hiểm nghèo, mang lại sự sống cho bệnh nhân, được đồng nghiệp tin phục. Vì sự thanh cao của người thày thuốc mà Khả bị một số người xấu ganh ghét, vây bủa, cô lập, vu khống đến thân bại danh liệt. Người ta không đồng tình với lối sống lương thiện, trung thực của anh, kể cả vợ anh - dược sĩ Ân và một số đồng nghiệp biến chất. Lợi dụng năng lực chuyên môn của chồng, Ân nhận quà biếu, mang thuốc bệnh viện bán ra ngoài kiếm lời. Vì thế, hạnh phúc gia đình Khả tan vỡ. Khả còn bị trưởng khoa Đăng trù dập bằng cách vu cho anh thiếu trách nhiệm, nhận hối lộ.
Trước đây, bà La cùng Lê Phán cứu sống em bé mới đẻ bị mẹ bỏ rơi, chuột gặm cụt ngón chân. Cái tên Đòi Thương mà Lê Phán đặt cho nói lên nguyên tắc sống và làm việc của đội ngũ lương y ngày ấy. Bệnh viện nuôi bé Đòi Thương khôn lớn, cho em đi học trở thành y tá Lan Hương. Thế nhưng, từ khi làm giám đốc, Lê Phán không để tâm đến chuyên môn mà lo thu vén quyền lực. Thấy người tốt bị cô lập, bị trù dập, thấy bậc cha chú cứu mình như thế, Lan Hương mất niềm tin, quyết định cùng Khả rời bệnh viện đến một nơi thật xa làm nghề theo lương tâm mình.
"Động đất" sử dụng bút pháp tượng trưng tạo xung đột tâm trạng con người thời đổi mới. Chuyện xảy ra tại khu chung cư Bình Minh trước ngày tháo dỡ lấy mặt bằng xây "Trung tâm thương mại, chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê". Tính kịch thể hiện qua tâm trạng nhân vật khá rõ, một bên - những người phải di dời, một bên đại diện doanh nghiệp, xung quanh chuyện "tiền đền bù căn hộ diện tích tám chục mét vuông không bằng mấy mét Trung tâm thương mại". Màn mở đầu, người xem thấy đủ lớp sóng dọc, sóng ngang đan xen, phức tạp. Sóng to đến mức tác giả so sánh nó với "trận động đất tám độ rích-te ở Tứ Xuyên, Trung Quốc".
Công dân đặc biệt của Bình Minh là Kim Như - phu nhân Chủ tịch thành phố. Dư chấn trong lòng phu nhân khủng khiếp bởi sự lo âu, sợ hãi cứ dai dẳng bám đuổi hết ngày này tháng khác. Bị giằng xé tâm can, tìm cách thay đổi thân phận nhưng không được. Vì thế, Kim Như cầu đến đấng thiêng liêng mong sự cứu rỗi cho nhẹ hồng trần. Cuối hồi 3, Nguyễn Phúc Lai để cậu đồng Như kết luận: "Tiền đó ở đâu ra?". "Các người có nhìn thấy cái bóng đen lờ mờ của nó không? Đó là bóng đen che khuất sự thật, nhưng làm sao che mắt được thần thánh (nhân dân) đang ngự ở khắp mọi nơi...".
Về nghệ thuật, Nguyễn Phúc Lai rất khéo khi xây dựng tình huống kịch. Mỗi hành động kịch của anh đều bám sát tính cách nhân vật. Với anh, nhân vật có cá tính độc đáo mới hội đủ điều kiện trở thành điển hình. Có nhân vật điển hình, xung đột kịch mới sâu sắc, mang tầm vóc thời đại. Tác giả luôn tuân thủ nguyên tắc của hệ thống liên hoàn đó. Vì thế, Đam khác Hồng, khác Khoa. Khả khác Đăng, khác Lê Phấn. Sáng tạo tính cách nhân vật tạo tính kịch, Nguyễn Phúc Lai chú ý đến đặc điểm ngôn ngữ từng người. Ngôn ngữ của Đam bộc trực, thẳng thắn, của Thuận dịu dàng, nhỏ nhẹ, tình cảm, đằm thắm nhưng không kém phần quyết liệt giữa cái đúng - cái sai.
Kịch bản của Nguyễn Phúc Lai còn cung cấp cho người đọc một lượng ngôn ngữ dân gian vừa chọn lọc, vừa thể hiện đặc điểm nhân vật, tạo không gian mở trong diễn xuất, tạo sự tương thông, giao cảm giữa diễn viên với khán giả. Tiếc là đôi chỗ lời thoại quá dài (lời Lan Hương từ trang 179 đến 182).
Trước đây, đọc Nguyễn Phúc Lai, tôi từng gọi anh là cây bút ký có hồn. Nay đọc "Động đất", tôi cảm phục anh với tư chất một nhà dự báo có trách nhiệm, một nhà văn chính kịch vững vàng.
VŨ TIẾN KỲ