Sống trong chính ngôi nhà của mình, nơi tưởng như an toàn nhất, bên cạnh những người thân yêu nhất, những đứa bé vô tội lại phải chịu đựng đòn roi, có em phải ra đi trong đau đớn, cô đơn.
Cách đây đúng một năm, tôi đã từng sừng sờ không thể tin được, khi một người mẹ ruột lại có thể dùng dây điện, móc quần áo, thép bện thành sợi... đánh đập dã man chính đứa con mới 12 tuổi do mình đẻ ra. Hình ảnh chằng chịt các vết tích bạo hành trên khuôn mặt, cơ thể của đứa trẻ khi đó đã gây ám ảnh và khiến dư luận phẫn nộ suốt một thời gian dài… Đau xót hơn, ngoài những trận đòn roi trút xuống thân thể, em còn phải cay đắng chịu đựng các hành vi xâm hại tình dục trong nhiều lần từ người tình của mẹ…
Tưởng rằng câu chuyện đau lòng như thế chỉ là cá biệt. Vậy mà sau đó không lâu, vụ việc bé V.A, 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị cả bố và người tình của bố đánh đập, hành hạ man rợ dẫn đến cái chết đau lòng. Câu chuyện gây rúng động đến mức Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã có công văn yêu cầu Bộ Công an, UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm.
Rồi đến hôm nay, lại thêm thông tin một bé gái mới 3 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân cùng nhiều dấu hiệu khác nghi ngờ bị mẹ đẻ và người tình của mẹ bạo hành. Tại viện bé được chụp X-quang và phát hiện có 9 dị vật trong hộp sọ, hình dạng giống đinh ghim. Ngoài ra, các bác sĩ còn phát hiện cánh tay phải của bé đã được bó bột trong 2 tuần. Hiện bệnh nhi vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao. Các cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc để điều tra, xác định nguyên nhân vụ việc.
Mỗi số phận một hoàn cảnh nhưng những đứa trẻ ấy lại có chung một đặc điểm là đều sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn, phải ở với cha hoặc với mẹ. Bi kịch hôn nhân của người lớn đã đẩy cuộc đời những đứa trẻ non nớt, đáng thương ấy vào "địa ngục trần gian".
Sống trong chính ngôi nhà của mình, nơi tưởng như an toàn nhất và bên cạnh những người thân yêu nhất, thì quả thật, không ai dám nghĩ, những đứa bé vô tội kia lại phải đau đớn chịu đựng đòn roi để rồi có em phải ra đi trong nỗi cô đơn cùng cực, trong đau đớn tột cùng vì bị bạo hành dã man. Và chắc chắn các em đã phải kêu cứu trong nỗi sợ hãi, tuyệt vọng ở những phút cuối cùng… Còn đau đớn nào hơn thế….
Dẫu vẫn biết cuộc sống hôn nhân nếu không thể hạnh phúc, không thể hòa thuận, thì ly hôn cũng là một lựa chọn văn minh, đúng đắn. Nhưng có khi nào, những người làm cha mẹ đặt câu hỏi hay suy nghĩ, lắng nghe cảm xúc, tâm tư về cuộc sống của những đứa con ở thời kỳ hậu ly hôn, chúng cảm thấy như thế nào? Hay họ còn mải lo cuộc sống mới. Thậm chí, có khi còn cố "giành" cho bằng được quyền nuôi con nhưng sự “tranh, giành” ấy, đáng buồn thay, không phải xuất phát từ sự yêu thương, muốn gần gũi, bù đắp cho con mà lại là từ sự ích kỷ, muốn biến con thành công cụ để hành hạ, để trả thù nhau? Từ sự bức xúc, thù hằn của người lớn, hậu quả cuối cùng là những đứa trẻ vô tôi phải gánh chịu. Chúng đơn độc, bị đầu độc bởi sự sợ hãi hàng ngày, hàng giờ ngay khi sống bên cạnh người mà chúng gọi là cha, là mẹ.
Mỗi vụ việc xảy ra là một nỗi đau dằng xé dai dẳng về sau… Nhưng còn bao nhiêu đứa trẻ đang phải sống trong môi trường bạo lực mà chưa bị phát giác? Căm phẫn, lên án, nhưng cần hơn cả là phải làm gì để những nỗi đau như thế không tái diễn.
Mỗi người làm cha, làm mẹ nếu như không vì cái tôi, sự ích kỷ của bản thân; nếu người trong gia đình biết quan tâm nhiều hơn đến những đứa trẻ thiệt thòi; nếu những người xung quanh, khi nhìn thấy những vết thương bầm tím trên cơ thể mỏng manh của các em, dám mạnh dạn lên tiếng… Và nếu như tất cả mọi người đều hiểu sẽ chẳng phải "chuyện riêng của gia đình" khi liên quan đến sự an nguy của một đứa trẻ, mà nó trở thành vấn đề của toàn xã hội, thì có lẽ, đã chẳng có nhiều những thảm kịch mà ngay trong hình dung của nhiều người cũng chưa bao giờ tưởng tượng được nó lại có thể tàn bạo, kinh hoàng đến vậy.
Rất nhiều chữ "nếu" như thế, để thấy rằng, những vụ bạo hành trẻ em bấy lâu nay, không tự nhiên mà có bởi chính người lớn chúng ta đã vô tình tiếp tay và dung dưỡng cho thủ phạm. Bảo vệ trẻ, nếu không thể tự can thiệp thì hãy gọi Tổng đài Bảo vệ trẻ em số 111. Sự lên tiếng kịp thời của chúng ta, có thể, sẽ cứu sống được một mạng người.
Theo VOV