Đời sống văn hóa

Đưa hát chèo vào trường học, học sinh hào hứng

LÊ HƯƠNG 28/10/2023 15:00

Việc đưa chèo vào dạy ở Trường THCS Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) đang tạo hứng khởi, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

00:00

chao-co-ok-70243fd6eece5f32dbd0a1090f6ab517.jpg
Một buổi tập thể dục giữa giờ của học sinh Trường THCS Duy Tân

Sinh động, cuốn hút

Giờ tập thể dục giữa giờ của Trường THCS Duy Tân, rộn tiếng nhạc, tiếng hát chèo: “Kinh Môn ơi bên dòng sông uốn lượn/Nước chảy đôi dòng sóng cuộn nặng phù sa/Cầu Mây ai đã bắc qua/Cầu Thái nối nhịp thiết tha Kim Thành…”. Gần 500 học sinh tay cầm quạt nhẹ nhàng, thư thái uốn theo giáo viên hướng dẫn trong nhịp của làn điệu chèo.

Đó chỉ là một trong nhiều giờ học lồng ghép để đưa nghệ thuật chèo vào dạy và học tại trường. Trường cũng đã thành lập Câu lạc bộ “Em yêu làn điệu dân ca” gồm 50 học sinh nòng cốt được chọn từ các khối, lớp; sinh hoạt 1 buổi/tuần theo nhiều chủ đề khác nhau. Có buổi các em tự thảo luận về một vấn đề của chèo cổ; tự biên soạn, viết lời một bài hát chèo theo làn điệu có sẵn. Các nhóm làm bài tập hát, thu âm một sản phẩm để thi và tặng quà… Các thành viên trong câu lạc bộ cũng là lực lượng chính tham gia các buổi giao lưu, thi hát dân ca bằng những làn điệu chèo tại các dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Quốc khánh 2/9, mừng Đảng, mừng xuân... ở trường và địa phương.

clb-ok-96a7d44fba209cbd6d4d1622d842410b.jpg
Trường THCS Duy Tân thường xuyên mời thành viên đội chèo của thị xã Kinh Môn về giao lưu, hướng dẫn học sinh các làn điệu chèo cổ

Trường THCS Duy Tân còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mời thành viên đội chèo của thị xã Kinh Môn về dự, giới thiệu, giao lưu và hướng dẫn các làn điệu chèo cổ cho các em.

Đặc biệt, trong các tiết học giáo dục địa phương, âm nhạc, giáo dục công dân... trường đều giới thiệu về môn nghệ thuật chèo truyền thống với các chủ đề phong phú như bảo vệ Tổ quốc, em hát dân ca, bảo vệ di sản văn hóa. Chương trình phát thanh măng non vào buổi chào cờ hằng tuần cũng đều lồng ghép phổ biến các kiến thức về chèo…

Trao truyền tình yêu chèo

Thầy Phạm Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường THCS Duy Tân cho biết, việc giáo dục truyền thống địa phương nói chung, nghệ thuật chèo nói riêng được trường vận dụng linh hoạt, lồng ghép vào các giờ ngoại khóa, tạo hứng thú cho các em.

tiet-hoc-ok-5c6cda17d94f942fa8bc8efe36f845f2.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy trong giờ lên lớp giảng dạy về nghệ thuật chèo

Người có ý tưởng và có công đưa nghệ thuật chèo vào chương trình giáo dục của nhà trường là cô giáo Nguyễn Thị Thúy, đã có 23 năm công tác tại trường. Bằng tình yêu, đam mê với các làn điệu chèo cổ, cô giáo Thúy đã nghiên cứu và đưa môn nghệ thuật này vào chương trình giáo dục địa phương của nhà trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng, một trong những thành viên của Câu lạc bộ chèo phường Duy Tân thường xuyên được mời đến trường giao lưu và truyền dạy những kiến thức về chèo cổ cho học sinh chia sẻ: “Việc lồng ghép dạy chèo trong nhà trường là hoạt động có ý nghĩa nhân văn, giúp các em được bồi đắp tâm hồn, có vốn văn hóa tốt”, bà Hằng chia sẻ.

Được truyền lửa, học sinh Trường THCS Duy Tân đều thấy hào hứng với nghệ thuật chèo. “Trước mỗi giờ học hay từng hoạt động có lồng ghép dạy chèo, em đều rất phấn khích, hồi hộp”, em Phạm Việt Đức, lớp 8A cho biết.

Còn với em Lê Quỳnh Anh, lớp 8A, một trong hai học sinh đã cùng cô giáo Thúy thực hiện đề tài nghiên cứu “Chèo - loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc cần được bảo tồn, phát huy trong trường THCS thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương” khẳng định, chèo là bộ môn nghệ thuật đặc sắc, ý nghĩa trong từng câu hát, ca ngợi quê hương, đất nước, phẩm chất con người Việt Nam. “Tìm hiểu chèo là cơ hội để chúng em phát huy truyền thống, tiếp thu phẩm chất tốt đẹp của cha ông, rèn luyện nhân cách”, Quỳnh Anh nói.

Vừa qua, đề tài của cô Thúy và học trò đã đoạt giải nhì trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp thị xã năm học 2023-2024. Dự án đang được tiếp tục phát triển để dự thi Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh.

“Tôi mong muốn trên các sân khấu lớn hơn như lễ hội, giao lưu văn nghệ tại địa phương, học sinh của trường sẽ tự tin đứng trên đó biểu diễn hát chèo”, cô Thúy nói về mong ước giản dị của mình.

Không chỉ xây dựng kênh YouTube riêng để quảng bá các làn điệu chèo cổ, các hoạt động dạy và học hát chèo của nhà trường bằng tiếng Việt, cô Thúy cùng các học trò còn tiếp tục thu âm các làn điệu chèo cổ bằng tiếng Anh với mong muốn giới thiệu chèo đi xa hơn.

LÊ HƯƠNG
(0) Bình luận
Đưa hát chèo vào trường học, học sinh hào hứng