cover3-copy.jpg

Thị xã Kinh Môn có truyền thống canh tác hành tỏi lâu đời. Cả 2 sản phẩm hành và tỏi của Kinh Môn đều đã được công nhận thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

tit-1-copy.png

Cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hiệp Hòa có ghi, nghề trồng hành, tỏi ở An Bộ có khoảng 200 năm nay, gắn bó với người dân từ đời này qua đời khác, mang lại nguồn thu nhập, góp phần chi tiêu, may mặc, trả nợ, giỗ Tết… cho nông dân.

toan-canh.jpg
Thị xã Kinh Môn hiện có gần 4.000 ha hành, tỏi, sản lượng trung bình gần 100.000 tấn củ tươi/năm, doanh thu 1.500 tỷ đồng/năm

Cụ Nguyễn Chí Viễn, 87 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hiệp Hòa kể rằng, theo câu chuyện được truyền miệng qua nhiều thế hệ, nghề trồng hành, tỏi ở Kinh Môn đã có từ rất lâu, trước mốc thời gian 200 năm nói trên.

chun1bbb.png

Theo lời cụ Viễn, thời Hùng Vương, làng Than có ngũ vị Đại vương tới khai khẩn, giúp dân sản xuất. Ngũ vị Đại vương chính là người có công mang cây hành, cây tỏi tới vùng đất này. Các ngài được phong là Thành hoàng làng. Hiện không còn tài liệu nào ghi chép về lịch sử, nguồn gốc cây hành, tỏi ở Kinh Môn nhưng tại thôn An Bộ ngày nay vẫn còn đình thờ ngũ vị Đại vương. Ban đầu, người dân trồng hành, tỏi chỉ làm gia vị, phục vụ bữa ăn trong gia đình. Ở làng Than vẫn có câu ca về cây hành: “Thịt một rành, không hành, không thơm”; “Dọc bằng đòn gánh, củ bằng bình vôi, ai mua hành tôi thì thương tôi với”.

chum2b-copy(1).png

Dần dà, người dân trồng hành để bán. “Tới thế hệ chúng tôi, vào những ngày chợ phiên, trai gái trong làng đều gánh hành đi chợ Cột (Đông Triều), chợ Ngái (Chí Linh), chợ Phú Thái (Kim Thành)… để bán”, cụ Viễn cho biết. Cũng theo lời kể của cụ, ngày ấy, người dân chỉ trồng được hành hoa vì chưa biết kỹ thuật bảo quản hành củ khô như bây giờ. Thói quen sản xuất của người dân cũng rất đơn giản, cứ nơi nào gần nguồn nước, họ sẽ trồng hành, tỏi.

td-vien-copy.jpg

Từ làng Than, cây hành tỏi “di cư” sang các làng kế cận. Do mang lại giá trị kinh tế cao, diện tích, năng suất và chất lượng hành tỏi ngày càng được nâng lên. Xã Hiệp Hòa hiện có 391,9 ha hành tỏi, sản lượng năm 2023 đạt 8.500 tấn. Giá trị từ cây hành tỏi của địa phương hơn 200 tỷ đồng/năm. Không chỉ xã Hiệp Hòa, cây hành, tỏi đã “bén rễ”, xanh tốt trên các cánh đồng của 23 xã, phường ở Kinh Môn. Các xã, phường khu nam An Phụ trồng nhiều nhất như: An Phụ, Quang Thành, Hiệp Hòa...

tit-2-copy.png

Ở thị xã Kinh Môn, rất nhiều nông dân có mức thu nhập khủng, có người thu hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng hành, tỏi. Địa phương đang “thay da đổi thịt”, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng lên nhờ thứ cây chủ lực này.

dji_0027.jpg

Ông Đoàn Văn Hà ở khu dân cư Huề Trì 3, phường An Phụ cho biết, năm 2022, không chỉ trồng hành, tỏi trên đất Kinh Môn, ông còn thuê thêm ruộng ở nhiều nơi khác để trồng 15 mẫu. Với năng suất 7-8 tạ/sào, giá bán trung bình 11.000 đồng/kg, ông thu về 1,1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Hà thu lãi hơn 700 triệu đồng. Năm nay, để đỡ chi phí đi lại, ông Hà tập trung trồng 6 mẫu ngay tại đồng đất của An Phụ và một số ruộng thuê tại phường Phạm Thái. Dù diện tích ít hơn nhiều so với năm ngoái nhưng theo ông, chất lượng hành, tỏi ở Kinh Môn vẫn hơn những nơi khác, được giá hơn. Nếu thời tiết thuận lợi đến lúc thu hoạch, năng suất đạt 7-8 tạ/sào và giá bán tương đương năm ngoái (khoảng 25.000 đồng/ kg). Sau khi trừ chi phí, ông cầm chắc trong tay khoảng 600 triệu đồng.

z5082337439548_2ae6c9d2b1a8fd8af61062ee5141f991.jpg
Nhờ nguồn thu từ cây hành, tỏi, người dân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc, đưa vào sản xuất

Anh Trần Văn Hướng ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa nhiều năm nay duy trì diện tích từ 1,5-2 mẫu hành, tỏi. Năm 2022, anh bán tươi tại ruộng và cả hành, tỏi khô, thu được 500 triệu đồng, lãi 400 triệu đồng. Người thu nhập tiền tỷ như ông Hà không nhiều nhưng số người có 400-500 triệu đồng/năm như anh Hướng thì hầu hết ở các xã, phường đều có. Từ nguồn thu này, người dân mua đất, xây nhà, nuôi con ăn học, cuộc sống khấm khá hẳn.

Theo anh Hướng, ngoài điều kiện về đất đai, khí hậu mà thiên nhiên ưu đãi, người dân Kinh Môn còn có kinh nghiệm canh tác hành, tỏi lâu đời, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ lâu, người dân Kinh Môn đã hướng tới sản xuất sạch, sử dụng phân bón hữu cơ và vi sinh, phân gà hoai mục, hạn chế các loại phân bón vô cơ. “Việc lạm dụng phân bón vô cơ dễ khiến đất bị chai lì, củ hành, tỏi bị óp, ảnh hưởng tới chất lượng”, anh Hướng chia sẻ.

td-huong-copy.jpg

Ngoài ra, nhiều người dân ở Kinh Môn còn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giúp tăng hiệu quả lao động.

Cũng do phù hợp thổ nhưỡng và khí hậu, người dân giàu kinh nghiệm từ khâu chọn giống, chăm sóc và bảo quản nên hành tỏi Kinh Môn có hương vị thơm, cay đặc trưng, củ to chắc, chất lượng nổi trội hơn các địa phương khác. Năm 2017, sản phẩm hành Kinh Môn được vinh danh thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Năm 2019, tỏi Kinh Môn cũng được vinh danh thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Không chỉ tiêu thụ trong nước, hành tỏi Kinh Môn còn được xuất khẩu sang Trung Đông, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), các nước thuộc EU, Mỹ... Năm 2023, thị xã Kinh Môn có 4.000 ha hành, tỏi. Hằng năm, sản lượng đạt trung bình gần 100.000 tấn củ tươi, doanh thu 1.500 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản toàn thị xã.

dohoa-copy(4).jpg
tit-3-copy.png

Từ cây trồng thế mạnh, cho năng suất và chất lượng vượt trội, hành, tỏi Kinh Môn không chỉ là gia vị thiết yếu trong mỗi gia đình mà còn được nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm cho giá trị kinh tế cao, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sinh ra và lớn lên ở Kinh Môn, anh Nguyễn Văn Ánh, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại Agrico (phường An Phụ) nhận thấy nguồn lợi đem lại từ cây này rất lớn nhưng người dân mới chỉ dừng lại ở sản xuất thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao. Năm 2019, anh Ánh quyết định đầu tư nhà xưởng, máy móc, chế biến các sản phẩm tỏi đen, miến tỏi đen, si rô tỏi đen, rượu vang tỏi đen, tỏi sấy, hành sấy…

“Sản phẩm chế biến từ hành, tỏi Kinh Môn cho chất lượng tốt hơn so với sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu ở những nơi khác. Ví dụ, tỏi đen có vị đậm hơn, ít ngọt hơn, thơm hơn. Vì vậy, giá trị từ các sản phẩm chế biến này cũng cao hơn so với các sản phẩm khác, được thị trường đón nhận”, anh Ánh cho biết.

td-anh-copy.jpg

Mỗi năm, anh Ánh thu mua gần 70 tấn tỏi, trong đó 20% phục vụ làm tỏi đen, số còn lại làm các sản phẩm khác. Từ năm 2019 đến nay, anh cung cấp ra thị trường 100.000 lọ si rô tỏi loại 125 ml; 20.000 lít rượu… Thời điểm cao nhất, doanh nghiệp của anh Ánh có 250 đại lý, trên 500 điểm bán hàng ở nhiều tỉnh, thành phố. Các sản phẩm còn xuất khẩu đi Pháp, Séc, Thụy Sĩ, Đức… Có năm doanh thu cao nhất của doanh nghiệp đạt 14 tỷ đồng từ các sản phẩm, tạo việc làm cho 126 cán bộ, nhân viên với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.

“Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư hệ thống sấy lạnh, sấy chân không và sấy thăng hoa, hướng tới việc giữ nguyên hương vị, màu sắc của sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị của hành, tỏi Kinh Môn”, anh Ánh cho biết.

Không chỉ có doanh nghiệp của anh Ánh, hiện nay, ở thị xã có hơn 10 doanh nghiệp, cơ sở chế biến các sản phẩm từ hành, tỏi… Trong số các sản phẩm OCOP của thị xã Kinh Môn, nhiều sản phẩm từ hành, tỏi đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao như: tỏi đen Vietkiga, rượu tỏi, tỏi mật, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga, hành khô Kinh Môn, tỏi khô Kinh Môn, hành phi làng Vở…

chum3b-copy(1).png

Ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Kinh Môn cho biết hiện nay mới có khoảng 10% sản lượng hành, tỏi được đưa vào chế biến sâu nhưng giá trị cao hơn 90% sản phẩm thô còn lại. “Chế biến sâu là xu hướng mang lại giá trị bền vững cho cây hành, tỏi của Kinh Môn”, ông Hạ chia sẻ.

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, để nâng cao giá trị hành, tỏi ở Kinh Môn cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp: “Không gian giá trị kinh tế của hành, tỏi rộng hơn không gian sản lượng thu hoạch được. Nếu bán thô hành, tỏi ngay chân ruộng sẽ không cao bằng bán hành, tỏi đã được sơ chế. Bán hành, tỏi sơ chế giá không cao bằng bán hành tỏi đã qua chế biến sâu”, Bộ trưởng khẳng định.

Theo Bộ trưởng, chuỗi giá trị ngành hàng hành, tỏi từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến sâu, đóng gói gắn với nhãn hiệu có truy xuất nguồn gốc sẽ càng mang lại giá trị cao hơn.

td-bt-hoan-copy.jpg

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, phải làm sao để hành, tỏi không chỉ là gia vị quan trọng trong bếp mỗi gia đình Việt, các doanh trại, đơn vị, doanh nghiệp mà còn trở thành các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… đặc hữu đi xa hơn.

Hướng tới phát triển kinh tế xanh - chuyển đổi số, ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn cho biết, thị xã tập trung nhiều giải pháp nâng cao giá trị ngành nông nghiệp, đặc biệt các cây chủ lực hành, tỏi như: quy vùng sản xuất, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; khuyến khích, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… Làm sao để cây hành, tỏi của Kinh Môn ngày càng vươn xa hơn, có nhiều sản phẩm chuyên sâu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế là mục tiêu cả chính quyền và người dân Kinh Môn đang hướng tới.

Nội dung: LÊ HƯƠNG

Ảnh: THÀNH CHUNG - LÊ HƯƠNG

Trình bày: TUẤN ANH

Một số hình ảnh do cơ sở cung cấp

Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành tỏi Kinh Môn - thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam