Việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm, đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang tạo ra dư luận trái chiều.
Công nhân Công ty TNHH May Tinh Lợi
Phần lớn đại diện doanh nghiệp khi được hỏi đều tỏ ý lo ngại và chưa đồng tình với đề xuất này, vì cho rằng thêm ngày nghỉ lễ sẽ ảnh hưởng tới năng suất lao động vốn chưa cao của Việt Nam, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như sức cạnh tranh của quốc gia.
Ở chiều ngược lại, đại đa số người lao động (NLĐ) đều đồng tình với việc tăng thêm ngày nghỉ lễ, giảm giờ làm, để họ có điều kiện nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, thêm thời gian chăm sóc, bồi đắp tình cảm cho tổ ấm gia đình.
Một số khảo sát trực tuyến cho thấy, số người ủng hộ thêm 3 ngày nghỉ lễ trong năm chiếm đại đa số.
Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thì số ngày nghỉ lễ của NLĐ tại Việt Nam là 10 ngày, ít nhất trong khu vực ASEAN.
Nghỉ lễ nhiều nhất là Campuchia có tới 28 ngày, Philippines có 19 ngày, Thái Lan có 16 ngày, Indonesia có 16 ngày, Lào có 12 ngày...
Ngay cả quốc gia có cường độ làm việc và năng suất lao động rất cao là Singapore cũng có 11 ngày nghỉ lễ. Thời gian làm việc theo tuần của NLĐ Việt Nam là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc theo năm là 2.320 giờ đều thuộc nhóm cao nhất ASEAN.
Như thế, nếu xét theo số giờ lao động, thì NLĐ Việt Nam đang làm việc chăm chỉ hàng đầu trong ASEAN. Như thế, năng suất lao động và số giờ làm việc chưa hẳn có tỉ lệ thuận với nhau, nên cần có những nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về các yếu tố tác động đến năng suất lao động, chứ không chỉ đổ tại số giờ làm việc.
Thêm nữa, ngay tại Việt Nam thì số giờ làm việc của NLĐ trong doanh nghiệp (48 giờ/tuần) còn khá cao nếu so với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước (40 giờ/tuần).
NLĐ làm việc nhiều sẽ suy giảm sức khỏe nhanh, cùng với đó là không còn thời gian chăm lo cho gia đình và con cái. Thực trạng đó có thể dẫn tới những hệ lụy và gánh nặng cho xã hội trong tương lai mà tại thời điểm này chúng ta chưa lường được hết.
Vì thế, trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy vừa qua thì Chính phủ cũng đã đề nghị tăng thêm một ngày nghỉ lễ, dự kiến là ngày 27-7 hằng năm. Tuy nhiên, đề xuất này được rút lại vì còn nhiều ý kiến chưa thống nhất.
Nhu cầu có thêm ngày nghỉ lễ của NLĐ là nhu cầu chính đáng và có cơ sở để xem xét một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, nghỉ thêm bao nhiêu ngày là vấn đề cần cân nhắc các khía cạnh.
Vì đúng là trong thời buổi kinh tế cạnh tranh toàn cầu hiện nay để có được công việc là điều không đơn giản. Ví như, các doanh nghiệp trong ngành dệt may-ngành sử dụng nhiều lao động phải rất nỗ lực trong việc giành các đơn hàng xuất khẩu thì mới có việc cho công nhân.
Hơn nữa, các đơn hàng đều chạy đua về thời gian hoàn thành, nếu nghỉ nhiều gây ảnh hưởng tới tiến độ bàn giao hàng thì sau đó sẽ không có đơn hàng mới.
Mọi quy định của luật pháp Việt Nam, trong đó có quy định về số ngày nghỉ của công nhân, đều sẽ trở thành các bài toán kinh tế đối với nhà đầu tư, để họ quyết định có mở nhà máy ở Việt Nam hay không.
Để hài hòa giữa nhu cầu của người sử dụng lao động và của NLĐ, giữa làm việc và nghỉ ngơi thì có lẽ trước mắt chỉ nên tăng thêm một ngày nghỉ lễ.
Nếu thêm nhiều ngày hơn thì cần phải có lộ trình. Việc có lộ trình sẽ tránh được cú sốc về nguồn nhân lực và bài toán về tài chính cho doanh nghiệp, để họ có thể tính toán kỹ các chi phí, chuẩn bị các phương án máy móc sản xuất và cả việc thay thế công nghệ để năng suất lao động cao hơn nhưng thời gian làm việc lại ít đi.
Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và NLĐ là mối quan hệ cộng sinh. Cả hai bên đều phải cảm thông, tôn trọng, yêu quý, tạo điều kiện cho nhau thì mối quan hệ mới bền vững và mang lại hiệu quả sản xuất cao.
HỒ QUANG PHƯƠNG