Tại Hải Dương, việc ủy quyền cho cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đã đem lại hiệu quả bước đầu.
Tích cực triển khai
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, trước đây hằng năm trên địa bàn tỉnh, các Sở Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh phải thẩm định hàng trăm phương án giá đất cụ thể, trong đó chủ yếu là phương án hệ số điều chỉnh giá đất làm cơ sở bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất; giá đất khi giao đất tái định cư; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, trong năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành 160 tờ trình đề nghị Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh thẩm định. Do khối lượng công việc lớn, nhân sự thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế nên mặc dù đã nỗ lực cố gắng nhưng tiến độ, hiệu quả định giá đất cụ thể chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Ngày 22/5/2023, UBND tỉnh có quyết định ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Trong tháng 6/2023 cấp huyện trong tỉnh đã nhanh chóng thành lập Hội đồng thẩm định giá đất và ban hành quy chế hoạt động.
Từ khi được ủy quyền quyết định giá đất cụ thể đến nay, UBND TP Hải Dương ban hành hơn 20 quyết định phê duyệt giá đất cụ thể, nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 7 quyết định phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất cho nhân dân xây dựng nhà ở tại các khu, điểm dân cư; còn lại là các quyết định phương án giá đất làm cơ sở tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án và phương án giá đất để bồi thường, tái định cư…
Theo thống kê của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Nam Sách, từ khi được UBND tỉnh ủy quyền phê duyệt giá đất cụ thể đến nay huyện đã ban hành 11 quyết định giá đất cụ thể, trong đó có 6 quyết định phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và 5 quyết định phê duyệt hệ số giá đất phục vụ giải phóng mặt bằng.
UBND huyện Gia Lộc cũng đã ban hành 7 quyết định phê duyệt giá đất cụ thể; UBND huyện Bình Giang ban hành 3 quyết định phê duyệt giá đất cụ thể; UBND huyện Thanh Hà ban hành 2 quyết định phê duyệt giá đất cụ thể…
Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thực cho biết hiện nay nhiều công trình, dự án yêu cầu chặt chẽ về mặt tiến độ, đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư công. Khi ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể sẽ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định giá đất để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các gia đình, cá nhân, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, việc ủy quyền này sẽ làm tăng tính chủ động cho chính quyền địa phương.
Ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách chia sẻ, việc ủy quyền phê duyệt giá đất cho cấp huyện giúp rút ngắn thời gian trình phê duyệt giá. Nâng cao trách nhiệm của UBND huyện nói riêng và các cơ quan chuyên môn thuộc huyện nói chung trong thực hiện nhiệm vụ rà soát, đề xuất, trình phê duyệt giá đất cụ thể. Giá đề xuất, phê duyệt sát với tình hình thực tế thị trường trên địa bàn huyện.
Còn ông Nguyễn Tuấn Ngọc, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Hải Dương cho biết, việc ủy quyền phê duyệt giá đất cụ thể cho cấp huyện giúp địa phương chủ động hơn trong quá trình xác định giá cụ thể, chủ động thời gian trong quá trình phối hợp với các đơn vị tư vấn thẩm định giá. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hải Dương luôn bám sát, kịp thời đối với từng dự án, công trình. Từ đó, thời gian thực hiện các công việc xác định giá cụ thể được đẩy nhanh hơn, công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án, giải ngân vốn bảo đảm kịp thời theo tiến độ.
Cùng với những thuận lợi, hiệu quả bước đầu, qua tìm hiểu của phóng viên, các địa phương cũng còn gặp một số khó khăn. Đây là nhiệm vụ mới nên việc triển khai thực hiện tại một số địa phương bước đầu còn lúng túng. Cơ sở dữ liệu giá đất chưa hoàn thiện, trong khi xác định giá đất phổ biến trên thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Khi chuyển nhượng đất nông nghiệp hầu hết các hộ không công chứng, chứng thực với cơ quan có thẩm quyền. Việc kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng thường thấp hơn giá trị thực tế. Thời điểm xác định giá đất thị trường đang chững, ít giao dịch, giá theo chiều hướng giảm so với trước nên khó lấy được thông tin phiếu gần sát giá thị trường…
PHAN ANH