Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân ở các địa phương tại Hải Dương đang khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, khôi phục sản xuất để kịp thời vụ.
Dọn dẹp sau bão
Trên cánh đồng thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc), bà Đinh Thị Hoát cùng nhiều bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo để vệ sinh đồng ruộng, khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Bà Hoát chia sẻ: "Gia đình tôi cấy 3 sào lúa sớm, bão gió làm lúa rụng hết chỉ trơ lại vài bông lúa non nhưng vẫn phải thu hoạch để còn kịp làm đất trồng cây vụ đông sớm. Chưa khi nào ruộng bị ngập nặng như đợt bão này, 3 sào cải bắp trồng trước đợt bão bị úng lại gặp nắng lên sau bão, cây héo quắt không thể phục hồi".
Cách đó không xa, ông Phạm Văn Sáu phải tát gạn từng thùng nước trong ruộng ra ngoài kênh mương để cứu rau màu. Gia đình ông trồng 8 sào su hào, cải bắp thì 6 sào bị ngập nước, mất trắng. Chỉ còn lại 2 sào cải bắp này ngập ít nên có thể khắc phục. Theo ông Sáu, chi phí để gieo trồng mới khoảng 2,5 triệu đồng/sào nhưng gieo trồng lại thì sẽ mất nhiều công và tốn kém hơn.
Trong khi những ruộng cải bắp, su hào của nhiều hộ nông dân bị dập nát, ngập úng thì 2 sào cải bắp của gia đình chị Vũ Thị Nhài ở thôn Xuân Trình, xã Gia Lương (Gia Lộc) ít bị ảnh hưởng. Chị cho biết, ruộng cải bắp của gia đình trồng ở khu đồng cao, lại trồng sớm, cây đang chuẩn bị vào cuốn nên may mắn ít bị dập nát. Tranh thủ nắng ráo, chị vệ sinh đồng ruộng, nhặt những lá rau dập nát, già úa để tránh sâu bệnh phát sinh gây hại cho cây.
Thời tiết nắng ráo cũng là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại chăn nuôi. Bão số 3 đã làm trang trại nuôi gà thịt của ông Vũ Văn Lĩnh ở thôn Cam Đông, xã Tuấn Việt (Kim Thành) bị thiệt hại nặng với khoảng 1 vạn con gia cầm bị chết. Ông Lĩnh cho biết: "Sau mưa bão, tôi nhờ người thân, bạn bè dọn dẹp đống đổ nát, lợp lại mái chuồng gà đã bị tốc, thu gom toàn bộ gia cầm chết, phân rác xử lý theo đúng quy trình để tránh gây ô nhiễm. Trời nắng ráo, tôi tiếp tục phun khử trùng chuồng trại chăn nuôi để kịp vào vụ nuôi mới".
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù thiệt hại không lớn nhưng nguy cơ dịch bệnh sau bão lũ sẽ rất lớn. Việc vệ sinh chuồng trại hết sức quan trọng. Đây cũng là thời điểm dễ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tại các vùng bị ngập, ngay sau khi nước rút, chính quyền và các cơ quan chuyên môn phải tổ chức tổng vệ sinh, thu gom phân, rác để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị ngập để khử trùng môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.
Khẩn trương
Ngay từ sáng sớm, tranh thủ thời tiết nắng ráo vợ chồng ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) đã làm lại đất để gieo lại diện tích rau giống bị thiệt hại sau bão. Nhanh tay gieo những hạt giống rau xuống luống, ông Hưng chia sẻ: "Thời điểm này mới gieo rau giống thì phải khoảng 1 tháng nữa mới có cây giống để trồng. Những vụ đông trước, gieo trồng sớm gia đình tôi phải trồng được 2 lứa rau vụ đông nhưng năm nay thì chỉ còn 1 lứa. Mong từ nay tới Tết Nguyên đán mưa thuận gió hòa để nông dân chúng tôi gỡ gạc được chút vốn liếng".
Ông Trần Văn Thoảng ở thôn Bùi Thượng, xã Lê Lợi (Gia Lộc) có hơn 1 mẫu rau vụ đông sớm ngập úng, thiệt hại ước khoảng trên 20 triệu đồng. Ngay sau bão, chờ nước rút, ông Thoảng thuê nhân công, tìm mua cây giống để chuẩn bị trồng vụ mới. "Hầu hết các nhà trồng rau giống đều bị thiệt hại nên giá cây giống tăng. Tôi phải nhờ người mua cây giống từ nhiều nhà vườn để trồng lại cho kịp thời vụ. Mỗi sào trồng lại chi phí khoảng 3 triệu đồng, tăng khoảng 500.000 đồng/sào so với trồng lứa trước".
Mưa lớn làm mực nước trong đồng tăng cao nên toàn bộ hơn 7.000 m2 ao cá của ông Quang Phục ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bị tràn bờ, ước thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. Ông Phục cho biết: "Nước dâng nhanh, ao cá ở vùng trũng thấp nên không có biện pháp nào để giữ cá trong ao. Toàn bộ cá rô phi, trắm, chép thả từ đầu năm coi như mất trắng. Đợi mấy hôm nữa nước rút, tôi mượn người tu sửa bờ ao rồi mới thả cá lại". Theo ông Phục, riêng thôn Xuân Nẻo đã có nhiều diện tích ao cá bị tràn bờ, mất trắng. Để khắc phục, các hộ đã mua cọc tre, lưới cùng nhiều vật tư khác để gia cố, sửa chữa bờ ao ngay khi nước rút.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương. Hàng nghìn ha lúa, rau màu bị thiệt hại, nhiều diện tích nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng, nhiều gia súc, gia cầm bị chết. Chủ động khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, ngành nông nghiệp đề nghị UBND các huyện, thành phố và yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão. Hướng dẫn nông dân dựng buộc đối với diện tích lúa bị đổ, giữ mức nước 3-5cm mặt ruộng để lúa trỗ trông và vào chắc được tốt. Chủ động kiểm tra đồng ruộng và phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Với những diện tích rau màu không có khả năng phục hồi cần phá bỏ, vệ sinh đồng ruộng, nhanh chóng làm đất để kịp trồng cây vụ đông sớm.
Với các diện tích thủy sản trong đồng bị ngập, sau khi nước rút cần tu bổ lại bờ ao cho chắc chắn, bờ ao phải cao hơn mực nước cao nhất hàng năm 0,5m. Khơi thông dòng chảy ở các sông, mương xung quanh ao để việc thoát nước được dễ dàng. Vệ sinh ao nuôi, bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc men vi sinh vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi...
Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động của người dân, mong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm phục hồi.
Bão số 3 làm ngành nông nghiệp của Hải Dương bị thiệt hại nặng nề. Theo thống kê sơ bộ tới hết ngày 13/9, có hơn 7.700 ha lúa bị đổ, bị ngập; hơn 3.200 ha rau màu bị ngập, đổ gãy, dập nát. Về diện tích cây ăn quả có khoảng 4.370 ha bị đổ, gãy ngang thân không có khả năng khắc phục và khoảng 2.250 ha rừng bị thiệt hại. Có 65 ha nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng. Ngoài ra, hơn 70 con gia súc, 388.600 con gia cầm bị chết; khoảng 560 ha nuôi thuỷ sản bị tràn bờ và hơn 430 lồng cá bị tràn, vỡ, trôi lồng.