Hai đối thủ của Mỹ “đi chung đường”

09/08/2020 21:18

Dường như Iran đã tìm ra đường đi của mình bằng việc sẽ ký một thỏa thuận chiến lược toàn diện với Trung Quốc có thời hạn 25 năm. Thực hư thỏa thuận này đến đâu?

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Dường như Iran đã tìm ra đường đi của mình bằng việc sẽ ký một thỏa thuận chiến lược toàn diện với Trung Quốc có thời hạn 25 năm. Thực hư thỏa thuận này đến đâu? 

Iran - Trung Quốc đạt thỏa thuận thế kỷ

Ngay sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran với Mỹ-Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức, Mỹ đã áp dụng toàn diện các biện pháp chống Iran. Chỉ tính riêng xuất khẩu dầu mỏ đã giảm 92%, khiến nền kinh tế Iran rơi vào khó khăn chồng chất. Bên cạnh đó, Mỹ cũng mở cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Như vậy, cùng lúc Mỹ đã trực diện đối đầu với một cường quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và một cường quốc khu vực Tây Á. Trong bối cảnh này, buộc Trung Quốc và Iran tìm đến nhau như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lợp Kiên đã nói: “Trung Quốc và Iran có tinh thần hữu nghị truyền thống, hai nước đã giữ liên lạc về phát triển quan hệ song phương… Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc với nhau để nhanh chóng thúc đẩy hợp tác quốc tế”.

Thỏa thuận chiến lược Iran - Trung Quốc lẽ ra đã được ký kết từ sau chuyến thăm Iran của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2016 nhưng với nhiều lý do chưa được ký. Nay dư luận cho rằng thỏa thuận dày 18 trang đã được hai bên thống nhất ký kết chờ các cơ quan quyền lực của hai bên thông qua. Vậy thỏa thuận chiến lược Iran - Trung Quốc có nội dung gì mà thế giới quan tâm đến vậy? Có mấy lý do sau:

Trung Quốc là quốc gia quan trọng nhất của Iran trong thời điểm hiện nay bởi thực tế cho thấy nước này là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Trung Quốc chiếm tới 31% tổng kim ngạch xuất khẩu và 37% tổng kim ngạch nhập khẩu của Iran. Vì vậy, theo giới phân tích, trong thỏa thuận chiến lược lần này Iran cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên vịnh Persic để bảo vệ lợi ích của Iran. Đây sẽ là căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài. Từ căn cứ quân đội trên vịnh Persic sẽ tạo cho Trung Quốc hướng tới biển Địa Trung Hải nhằm bảo vệ con đường tơ lụa của mình.

Thỏa thuận chiến lược Iran - Trung Quốc được biết đến với tên gọi “Kế hoạch 25 năm đối tác chiến lược Iran - Trung Quốc”. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ đầu tư vào Iran 400 tỷ USD, trong đó 280 tỷ USD xây dựng các nhà máy hóa dầu và các cơ sở công nghiệp khác của Iran. 

Theo thỏa thuận, 120 tỷ USD còn lại Trung Quốc sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sản xuất và giao thông cùng một số dự án dân sinh. Trong đó, Trung Quốc sẽ xây dựng một bệnh viện lớn ở Mashhad, thành phố lớn thứ hai của Iran với hơn 3 triệu dân.

Từ những lý do trên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc Iran và Trung Quốc ký thỏa thuận kéo dài tới 25 năm là ý đồ chiến lược không chỉ về địa chính trị, kinh tế, đối ngoại mà sâu sa hơn là về địa quân sự. Bởi trong điều kiện kinh tế thế giới đang gặp khó vì Covid-19 không dễ gì Trung Quốc bỏ ra 400 tỷ USD để ủng hộ một đối tác chỉ đổi lấy việc mua nguồn dầu thô giá rẻ. Giới phân tích đồng thuận kết luận rằng đây là trò chơi chính trị của cả hai bên nhằm chống lại Mỹ khi Iran - Trung Quốc đang có nhiều “mắc mớ” với Mỹ. Trò chơi này đã cho Mỹ một “đòn đau” khi hai đối thủ của Mỹ "đi chung một đường”.

Thắng lợi chiến lược của Trung Quốc?

 Mỹ đang thực thi các chính sách gây áp lực với Iran, nhưng xem ra Iran không khuất phục. Trung Quốc đã tận dụng tối đa chính sách của Mỹ đối với Iran để thực hiện các chính sách của mình tại Trung Đông.

Có thể nói, thỏa thuận chiến lược Iran - Trung Quốc là một trong những kế hoạch có tầm nhìn xuyên thế kỷ của Trung Quốc để hiện thực hóa sáng kiến vành đai và con đường tơ lụa mới. Chỉ tính riêng giao thông, Trung Quốc sẽ đầu tư cho Iran làm đường tàu cao tốc Teheran - Kom - Isfahan, mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới giao thông về phía tây bắc đi thành phố Tabriz, một trong những trung tâm dầu khí - công nghiệp quan trọng của Iran. Đáng chú ý, đây là điểm tựa của tuyến đường thuộc “vành đai và con đường” dài 2.300 km nối liền Unumgi (thủ phủ của tỉnh Tân Cương, Trung Quốc) với thủ đô Teheran (Iran), kết nối các quốc gia thuộc không gian hậu Xô Viết gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Turkmenistan với Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Thỏa thuận chiến lược giữa Iran và Trung Quốc nếu trở thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước, đặc biệt là Iran sẽ không còn phụ thuộc vào phương Tây về kinh tế. Điều này sẽ giúp Iran vững tâm trong cuộc chiến địa chính trị - địa kinh tế với Mỹ, vực dậy nền kinh tế đang gặp khó khăn do bị Mỹ trừng phạt để duy trì vị thế trong khu vực cạnh tranh với Saudi Arabia, một đồng minh thân cận với Mỹ. Theo giới phân tích, thỏa thuận này nếu thành hiện thực sẽ là cú “đòn đau” với Mỹ, bởi không chỉ hai đối thủ của Mỹ đang đi chung đường mà khi Trung Quốc đã đặt được một chân vào khu vực Trung Đông chắc chắn tìm cách kết nối với các nước khác ở đây để thách thức trực tiếp các chiến lược của Mỹ. 

Như vậy, nếu thỏa thuận chiến lược Iran - Trung Quốc được thực thi sẽ tạo ra các cơ hội không chỉ cho hai nước này mà còn cả một số nước trong khu vực thoát khỏi vòng cương tỏa về kinh tế của phương Tây. Nhưng nó cũng tạo ra một thách thức lớn cho chiến lược của Mỹ tại Trung Đông chính từ chính sách gây áp lực tối đa với Iran đã khiến nước này phải lựa chọn con đường đi cùng hướng với Trung Quốc để tự cứu lấy nền kinh tế của mình.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai đối thủ của Mỹ “đi chung đường”