Yếu tố chính góp phần vào sự lạc quan về thị trường Đông Nam Á là các quỹ nước ngoài chưa đặt nhiều giao dịch tại đây, khiến họ có dư địa để mở rộng phân bổ tài sản của mình.
Cổ phiếu của các nước Đông Nam Á đã củng cố vị thế là kênh đầu tư ưa thích của các nhà quản lý tài sản, khi họ tìm cách định hướng trước khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xoay trục chính sách.
Bốn trong số năm chỉ số cổ phiếu hoạt động tốt nhất châu Á trong tháng này đều đến từ Đông Nam Á, trong đó Thái Lan dẫn đầu.
“Cơn sốt” mua vào đã kéo dòng vốn nước ngoài đổ vào khu vực này tăng tuần thứ năm liên tiếp, trong khi Chỉ số chứng khoán chung của khu vực Đông Nam Á MSCI ASEAN hiện đang giao dịch gần mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Lực hút đối với một loạt thị trường chứng khoán từ Indonesia đến Malaysia là các nhà đầu tư nước ngoài trước đó ít giao dịch tại đây, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của địa phương cũng như mức định giá cổ phiếu hấp dẫn.
Những lợi thế này đã tạo tiền đề để các nước Đông Nam Á tận dụng sự dịch chuyển của các nhà đầu tư toàn cầu khỏi các thị trường lớn hơn như Trung Quốc, đặc biệt là khi tình hình vẫn nhiều khó khăn ở nền kinh tế số hai thế giới.
Ông John Foo, người sáng lập công ty quản lý đầu tư Valverde Investment Partners Pte., cho biết: "Các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã bị bỏ qua quá lâu rồi."
Theo ông, các nhà đầu tư đang bắt đầu nhận ra nhiều cơ hội có sẵn tại đây, từ các công ty hàng hóa ở Indonesia, thị trường quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REIT) ổn định ở Singapore đến các công ty công nghệ ở Malaysia, các công ty xuất khẩu ở Việt Nam cùng nhiều chính sách hỗ trợ phục hồi ở Thái Lan.
Yếu tố chính góp phần vào sự lạc quan về thị trường Đông Nam Á là các quỹ nước ngoài chưa đặt nhiều giao dịch tại đây, khiến họ có dư địa để mở rộng phân bổ tài sản của mình.
Theo ông Kenneth Tang, Giám đốc danh mục đầu tư tại quỹ Nikko AM Shenton Thrift Fund, các chất xúc tác chính sách hỗ trợ gần đây như các sáng kiến nới lỏng tài khóa của Indonesia, các biện pháp ủng hộ quyền sở hữu cổ phiếu ở Thái Lan và Malaysia cũng đang thúc đẩy nhu cầu.
Các quốc gia này cũng được hưởng lợi lớn từ các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất và lợi suất cao như ngân hàng hay phát triển bất động sản.Các công ty môi giới đang dành nhiều chú ý hơn đến khu vực Đông Nam Á.
Ngân hàng Goldman Sachs đã nâng hạng cổ phiếu Thái Lan trong tháng này với kỳ vọng rằng Quỹ Vayupak do nhà nước mới thành lập sẽ cung cấp cả hỗ trợ về mặt tâm lý và thanh khoản, thu hút vốn nước ngoài trở lại thị trường.
Tháng trước, ngân hàng Nomura cũng đã nâng hạng cổ phiếu Malaysia và Indonesia.
Ông Chun Hong Lee, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty tài chính Principal Asset Management Bhd. cho biết nếu xu hướng cắt giảm lãi suất vẫn tiếp diễn và không xảy ra suy thoái kinh tế, làn sóng đổ vốn vào Đông Nam Á này có thể kéo dài đến cuối năm 2025.
TB (theo TTXVN)