Góp sức bảo vệ di sản

22/11/2021 17:51

Ngoài sự hỗ trợ, đầu tư, bảo vệ của Nhà nước và chính quyền địa phương, thời gian qua, người dân cũng có vai trò quan trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.

Ông Vũ Văn Vui, thủ từ đình Ngọc Uyên  chăm lo, bảo vệ di tích

Tâm huyết

Mỗi lần đến đình Ngọc Uyên ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) không ít người bắt gặp hình ảnh một người đàn ông có làn da ngăm đen, tóc đã bạc cần mẫn quét dọn, sắp xếp đồ đạc trong đình gọn gàng, ngăn nắp. Đó là ông Vũ Văn Vui, thủ từ đình Ngọc Uyên. Trông coi đình hơn chục năm nay nên ông Vui thuộc làu từng hiện vật quý của di tích. Ông bảo đình Ngọc Uyên có 12 đạo sắc phong, quả chuông đồng cổ được đúc vào năm 1915. Ngoài ra, còn có 17 bia đá cổ ghi tên những người công đức tiền để tu bổ di tích. Ngôi đình còn có nhiều đồ tế tự cổ bằng gỗ có giá trị như nhang án thờ tại đình ngoài, bộ kiểu long đình, 2 bộ kiệu bát cống, 1 bức đại tự... Vì có nhiều hiện vật quý như vậy nên đối tượng trộm cắp thường xuyên nhòm ngó. "Tôi phải đi tuần vài lần mỗi đêm. Nghỉ trưa cũng phải để ý bởi chỉ sơ sểnh một chút là bao cổ vật quý của đình không giữ được. Người dân sống xung quanh đình cũng hỗ trợ tôi rất nhiều để bảo vệ di tích này", ông Vui nói. Ông Vui còn tự bỏ ra 2 triệu đồng để mua hàng rào sắt vây sau đình đề phòng trộm cắp.


Việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cũng có vai trò quan trọng của mỗi người dân. Bà Trần Thị Nên, thành viên Câu lạc bộ Ca trù (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh) không chỉ say mê tập luyện mà còn tích cực truyền dạy môn nghệ thuật này cho thế hệ sau. Bà Nên cho biết Hải Dương là 1 trong 15 tỉnh, thành phố có không gian hát ca trù được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Vì vậy, nếu mỗi người dân không biết bảo vệ và truyền tiếp tình yêu môn nghệ thuật này cho nhiều người, nhất là thế hệ trẻ thì khó có thể bảo tồn và phát huy được giá trị của ca trù. Thấy rõ vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị của ca trù, thời gian qua, câu lạc bộ nơi bà Nên sinh hoạt thường xuyên khuyến khích các thành viên truyền dạy môn này cho thế hệ trẻ.

Thời gian qua, Hải Dương quan tâm đặc biệt đến việc tu bổ, tôn tạo các di tích, bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và tích cực vận động, khuyến khích người dân cùng tham gia bảo tồn, gìn giữ di sản. Bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết các di tích tồn tại trong cộng đồng, do đó vai trò của người dân trong gìn giữ và bảo vệ di tích rất quan trọng. Hằng năm, người dân còn đóng góp tiền của để tu bổ, tôn tạo các công trình. Đáng chú ý trong quá trình đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận quần thể di tích, danh thắng Yên Tử (có cả khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và chùa Thanh Mai của Hải Dương) là di sản thế giới có vai trò quan trọng của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích suốt thời gian qua.

Phát huy vai trò

Công ước của UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nêu rõ: “Các cộng đồng, đặc biệt là các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, duy trì, thực hành và tái tạo di sản văn hóa phi vật thể, từ đó làm giàu thêm sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người”. Hải Dương đã sớm xây dựng Chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù giai đoạn 2010-2020 nằm trong chương trình hành động chung của quốc gia cam kết với quốc tế bảo tồn di sản ca trù. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm nhân cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển môn nghệ thuật này. Tỉnh còn có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân ca trù có tài năng xuất sắc, đồng thời mời các nghệ nhân này truyền dạy ca trù cho học sinh.

 Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã lập hồ sơ, trình UNESCO công nhận chèo là di sản văn hóa thế giới.Trong ảnh: Một tiết mục hát chèo tại buổi tổng kết tập huấn nâng cao hát chèo và nhạc cụ dân tộc năm 2021 được tổ chức tại huyện Gia Lộc


Trong giai đoạn 2015-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho kiểm kê toàn bộ di tích trong tỉnh, tiến hành bảo tồn, phục dựng, truyền dạy, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia và bảo vật quốc gia. Chỉ trong giai đoạn này đã có 3 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 2 di tích cấp quốc gia, 61 di tích cấp tỉnh, 8 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, 5 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia… Việc kiểm kê và xác định các di tích trên cũng góp phần giúp người dân thấy rõ vai trò của mình trong đồng hành bảo tồn và gìn giữ di tích.

Lãnh đạo Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết thực tế đã chứng minh di sản có sức sống bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cộng đồng nắm giữ di sản. Để làm được điều này thời gian tới sở tiếp tục quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như tham mưu với tỉnh đầu tư để tiếp sức cộng đồng trong phát huy giá trị các di sản văn hóa.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Góp sức bảo vệ di sản