Giúp việc cho con

22/10/2022 09:33

Tôi từng lặng đi trước những giọt nước mắt của người cha bất hạnh vào một buổi sáng lạnh tái tê trong khuôn viên tòa án. Con ông đang đứng trước vành móng ngựa vì tội giết người, cướp tài sản.

Bị cáo còn trẻ lắm, gương mặt khôi ngô, đôi bàn tay bám chặt lấy vành móng ngựa. Chỉ mới hai năm trước, cậu trai út được bố đưa lên Hà Nội nhập trường đại học. Ông kể, từ khi hay tin con bị bắt, ông mất ngủ triền miên, vật vã với câu hỏi: Tại sao đứa con trai giỏi giang, ngoan ngoãn, từng là hy vọng, là ước mơ của đời ông lại trở thành kẻ cướp tài sản rồi giết người hòng bịt đầu mối, tinh vi và tàn nhẫn như một tội phạm chuyên nghiệp.

Một năm sau phiên tòa, tôi gặp lại ông ở quê. Vợ chồng ông vẫn ngày ngày hy vọng đón con trai trở về, dù biết, với bản án 20 năm tù, ngày ấy còn xa lắc. Trong ngôi nhà khang trang ở một huyện miền núi, toàn bộ sách vở, tài liệu ôn thi đại học, giấy khen, bằng khen của đứa con trai lầm lỡ, ông vẫn để nguyên vẹn trong căn phòng riêng. "Để khi nào ra tù, cháu sẽ ôn thi đại học, học lại cô ạ" - ông nói với tôi, đã không còn khóc nữa. Ông cũng không còn vật vã với câu hỏi đau đớn năm xưa, bởi giờ đây ông đã tìm ra câu trả lời.

Ảnh minh họa 

"Tôi đã cưng con như cưng trứng", ông vừa kể vừa di di ngón tay trên mặt bàn uống nước, thành những vòng tròn vô định. Câu chuyện dài và rất chi tiết của người bố có thể được tóm gọn lại rằng, ông bà đã trở thành "osin" cho con, theo đúng cách hiểu quen thuộc của từ này, tới tận khi cậu ra Hà Nội học.

Ra tới thành phố, tiền bố mẹ cung cấp và cuộc sống tự do mới khiến con trai ông vướng vào ma túy và không đủ kỹ năng, sự tỉnh táo để thoát ra. Khi tiền nhà đã hết, con trai ông đi cướp và chuyện gì phải đến đã đến.

Trong sự day dứt, người bố hiểu rằng, hóa ra sự nuông chiều, bao bọc quá kỹ lưỡng của ông với "báu vật đời mình" đã gián tiếp làm vuột mất tất cả cơ hội được học, tiếp thu, trải nghiệm những kiến thức, kỹ năng sống tối cần thiết cho con. Con trai ông làm toán giỏi, trúng tuyển đại học với số điểm cao nhưng lơ ngơ khi bước vào đời và vấp ngã. Không phải là cú ngã bình thường của đứa trẻ tập đi lúc lên ba. Cú ngã của chàng trai 20 tuổi khiến tương lai cậu dường như khép lại sau song sắt nhà tù.

Những ngày đầu mới đi dạy đại học, tôi cũng từng khó chịu mỗi khi gặp các sự cố liên quan đến máy chiếu, bóng đèn hoặc thiết bị điện tử trong lớp học. Tôi hiếm khi nhận được sự trợ giúp kịp thời và hiệu quả. Sau nhiều lần như thế, tôi mới hiểu, vì các em không biết cách xử lý. Các em được nuôi dưỡng khác thế hệ chúng tôi, ngoài việc học hầu như không phải làm gì cả. Nhiều người cha bây giờ không cần dạy con cách sửa điện, vì chính họ hoặc người giúp việc sẵn sàng làm thay.

Tôi cũng từng biết những du học sinh Việt ở nước ngoài không thể tự nấu ăn, không biết cách tìm đường đi khi cần di chuyển bằng phương tiện công cộng ở nước sở tại... Một số chật vật thời gian dài mới có thể thích ứng, số khác thậm chí phải bỏ dở việc học để về nước vì không vượt qua được thử thách của cuộc sống tự lập. Đây là điểm yếu của những đứa trẻ lớn lên trong môi trường được bao bọc nay phải thích ứng với một xã hội đề cao các kỹ năng cá nhân để có thể tự mình làm lấy - DIY (Do It Yourself).

Bạn tôi, khi học ở Nhật, từng ngỡ ngàng chứng kiến cảnh sáng sáng tại thị trấn nơi cô ở, rất nhiều bà mẹ Nhật dạy con thực hành kỹ năng sang đường. Họ chỉ dẫn, cho trẻ thực hành và vỗ tay cổ vũ, khích lệ chúng. Cô kể, tận lúc ấy, cô mới thấm thía lời của mẹ chồng. Khi cô thúc giục đứa con gái nhỏ học ngoại ngữ và dọa dẫm "nếu không nói được, ra nước ngoài con sẽ lạc đấy" thì bà phản ứng. Bà nói, những đứa trẻ cần được dạy cách nhìn thấy rắn thì tránh, thấy cháy nhà phải chạy, không được băng qua đường khi đèn xanh chưa bật... trước tiên.

Mâu thuẫn giữa cô và mẹ chồng cũng thường xảy ra quanh chuyện bà phản đối cách con dâu hầu như giao phó hoàn toàn cháu bà cho giúp việc.

Tôi nhìn thấy câu chuyện của bạn tôi trong rất nhiều gia đình đô thị hiện nay. Cuộc sống bận bịu hơn, nhưng thu nhập cũng dư dả hơn khiến nhu cầu thuê giúp việc trở nên phổ biến. Nhiều gia đình giao phó tất cả, từ bữa cơm cho đến việc chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa cho... người ngoài.

Tôi không phản đối nhu cầu được hỗ trợ của những gia đình có con nhỏ hay người già cần thêm sự giúp đỡ. Nhưng nếu lệ thuộc vào người giúp việc, phụ huynh có thể tạo ra những đứa trẻ thị thành lớn lên mà thiếu hẳn kỹ năng phục vụ bản thân, làm các công việc thông thường, cơ bản; thậm chí có cách sống ích kỷ, lười nhác.

Dung dưỡng cho thói quen ỷ lại của con cái, bằng cách tự mình làm "osin" hoặc giao phó cho giúp việc, cũng là đánh mất của con cơ hội được thực hành tự lập để chống chọi với biến cố trong cuộc sống đầy đổi thay phía trước.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp việc cho con