Giúp người mù thoát nghèo

15/11/2020 14:00

Bằng cách cho hội viên vay vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm..., các cấp Hội Người mù trong tỉnh đã nỗ lực giúp hội viên giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.


Tổ sản xuất tăm "Tình thương" của Hội Người mù huyện Nam Sách có 3 thành viên, cho thu nhập trung bình 2 triệu đồng/người/tháng

Tạo việc làm ổn định

Bị bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc từ năm 12 tuổi, chỉ 3 năm sau chị Vũ Thị Ngọc Bích, 29 tuổi, ở thôn Ấp Yên, xã Tân Trào (Thanh Miện) đã không còn nhìn thấy gì. Sau đó, chị tham gia Hội Người mù (HNM) huyện Thanh Miện. Năm 2013, chị học nghề tẩm quất và làm nhân viên ở cơ sở tẩm quất cổ truyền của HNM huyện Thanh Miện. Cơ sở này đã trở thành ngôi nhà mới của chị khi ở đây chị được tạo điều kiện ăn nghỉ và có việc làm ổn định. Dịp cao điểm, chị thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Nhờ việc làm và thu nhập ổn định, năm 2019, chị Bích đã thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo. "Nếu không có công việc ổn định ở cơ sở tẩm quất, có lẽ tôi không thể tự chủ được cuộc sống chứ không nói đến chuyện thoát nghèo, vươn lên mức sống trung bình", chị Bích chia sẻ.  

Tạo việc làm ổn định là cách làm hiệu quả của HNM huyện Thanh Miện nhằm giảm tỷ lệ hộ hội viên nghèo. Nhiệm kỳ qua, hội đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều biện pháp, tạo việc làm cho hội viên ngay tại gia đình cũng như tại cơ sở sản xuất của hội. Hội mở 2 lớp truyền nghề xoa bóp nâng cao và xoa bóp cổ truyền cho 30 cán bộ, hội viên, cử 10 cán bộ, hội viên tham gia các lớp truyền nghề do hội cấp trên tổ chức để phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng. HNM huyện Thanh Miện hiện có 285 hội viên thì chỉ có 19 người thuộc hộ nghèo, chiếm 7%, giảm 10% so với cách đây 5 năm. 

Hộ chị Trần Thị Nhu, 55 tuổi, ở thôn An Lão, xã Thanh Khê (Thanh Hà) đã thoát nghèo từ năm 2019 nhờ việc làm tăm tre tại HTX Vượt khó 20.4 thuộc HNM huyện Thanh Hà. Bẩm sinh chị Nhu đã nhìn kém, lại là mẹ đơn thân, sức khỏe yếu nên gia đình chị thường xuyên trong danh sách hộ nghèo ở địa phương. Sau khi trở thành hội viên HNM, chị đã có công việc ổn định với nghề làm tăm tre. HNM huyện Thanh Hà cũng là đơn vị cấp huyện duy nhất trong tỉnh thành lập được HTX sản xuất tăm tre để tạo việc làm thường xuyên cho các hội viên sức khỏe kém, khác với các HNM cấp huyện khác chỉ làm tăm vào dịp từ tháng 9 đến tháng 1 năm sau. 

Ông Nguyễn Xuân Hưng, Chủ tịch HNM huyện Thanh Hà cho biết: "Việc làm tăm vất vả, công không cao nên các đơn vị khác chủ yếu làm thời vụ. Những năm qua, Ban Thường trực HNM huyện Thanh Hà đã nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ ra 7 địa phương là Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh để tạo việc làm thường xuyên cho các hội viên có sức khỏe kém".

Đến nay, HTX Vượt khó 20.4 có 10 hội viên, sản xuất trung bình hơn 700.000 gói tăm/năm, tạo thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. HNM huyện Thanh Hà có 221 hội viên, trong đó có 34 hội viên nghèo, chiếm 15,6%, giảm 10,7% so với cách đây 5 năm.

Hỗ trợ vốn vay 

Chị Nguyễn Thị Vân (tên thường gọi là Mùa), 55 tuổi, ở thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) mắc bệnh thiên đầu thống năm 37 tuổi gây mù vĩnh viễn. Từ khi trở thành hội viên của HNM huyện Nam Sách, chị được vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, hiện chị vay 25 triệu đồng. Với nguồn vốn này, chị Vân vay mượn thêm đầu tư nuôi chó, bò, gà, vịt. Chị hiện nuôi 50 con vịt, 100 con gà, 1 con bò và 3 con chó, thu nhập trung bình từ 60-70 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2019, gia đình chị đã thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Trong nhiệm kỳ qua, HNM huyện Nam Sách đã tích cực rà soát, cho vay vốn đúng đối tượng nhằm hỗ trợ hội viên thoát nghèo. Hội đã cùng với HNM tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thu hồi và giải ngân 6 lượt dự án với tổng số tiền 547 triệu đồng cho 34 lượt người vay. Huyện hội phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá và giải ngân nhanh gọn, chính xác, thuận tiện cho các hộ vay vốn. Huyện hội đang quản lý 2 dự án với số tiền 305 triệu đồng cho 15 cán bộ, hội viên vay. Qua kiểm tra, 100% số hộ sử dụng vốn đúng mục đích, không nợ đọng và chậm trả. Nam Sách hiện có 198 hội viên, trong đó có 13 hội viên nghèo, chiếm 6,6% số hội viên, giảm 4,8% so với đầu nhiệm kỳ.

Hiện nay, HNM tỉnh có 3.099 hội viên. Trong 5 năm qua, các cấp HNM tỉnh đã phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để giúp hội viên giảm nghèo. HNM tỉnh chỉ đạo các hội cấp huyện thực hiện 78 dự án với tổng số tiền gần 8 tỷ đồng cho 456 lượt hộ vay. Hiện HNM tỉnh quản lý 24 dự án với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. HNM các cấp nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, mở nhiều lớp dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm hội viên. Toàn tỉnh sản xuất và tiêu thụ được gần 9,4 triệu gói tăm. HNM tỉnh quản lý 2 HTX, 15 điểm dịch vụ tẩm quất, thu hút 124 lao động với thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 1,5triệu đồng/người/tháng so với đầu nhiệm kỳ. Tổng doanh thu từ sản xuất và dịch vụ đạt hơn 38 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu nhiệm kỳ. Toàn tỉnh đã xây và sửa 32 ngôi nhà "đại đoàn kết" cho 32 hội viên nghèo với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng…

Nhờ các biện pháp đồng bộ, hiện nay HNM tỉnh chỉ còn 329 hộ nghèo, chiếm 10,6% hội viên, giảm 8,1% so với đầu nhiệm kỳ, đạt kế hoạch đề ra. Từ nỗ lực của các cấp HNM tỉnh, nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp người mù thoát nghèo