Giúp người khuyết tật thoát nghèo

18/04/2019 09:13

​Thời gian qua, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã cùng chung tay hỗ trợ vốn vay, việc làm để người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tích cực phát triển kinh tế gia đình.


Công ty TNHH Duy Thắm tuyển dụng nhiều lao động khuyết tật vào làm việc

Vượt khó

Anh Đàm Khắc Phước (sinh năm 1988) ở xã Trùng Khánh (Gia Lộc) đưa chúng tôi đi xem gần một mẫu ao nuôi cá giống, cá thịt và 2 chuồng nuôi lợn. Ít ai nghĩ một người khiếm thị như anh Phước hằng ngày nuôi lợn, cá thuần thục đến vậy. Bị thoái hóa võng mạc bẩm sinh, sinh ra Phước đã không nhìn thấy gì. Áp lực càng lớn khi anh lại là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em nên khi đủ sức lao động anh đã bắt tay vào làm kinh tế. Dưới sự hỗ trợ của bố mẹ, anh Phước làm trang trại nhỏ, thu nhập hằng năm tạm ổn định. Đến năm 2017, khi vào Hội Người mù (HNM) huyện Gia Lộc, anh được hội cho vay 13 triệu đồng. Cùng với số vốn tích lũy, anh quyết định xây dựng trang trại kiên cố. Tự tay anh vẽ sơ đồ, tính toán nguyên vật liệu xây dựng. Trang trại hoàn thành, với quan điểm “năng nhặt, chặt bị”, anh kết hợp vừa chăn nuôi, vừa nấu rượu. Anh cho biết mấy năm gần đây giá lợn trồi sụt nhưng thu nhập bình quân cũng đạt từ 80-100 triệu đồng/năm. Chưa kể, từ ngày tham gia sinh hoạt tại HNM huyện, anh được dạy và làm nghề tẩm quất. Thời gian rảnh, anh qua Trung tâm Tẩm quất của HNM huyện làm việc, thu nhập thêm từ 2-3 triệu đồng/tháng. “Từ nguồn vốn và hỗ trợ dạy nghề của hội mà kinh tế gia đình tôi khá giả hơn trước rất nhiều”, anh Phước nói.

Được biết, nguồn vốn anh Phước vay được trích từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do HNM tỉnh làm đầu mối. Theo anh Vũ Anh Minh, Phó Chủ tịch Thường trực HNM tỉnh, ngoài việc cấp vốn cho các hội viên phát triển kinh tế gia đình, hội còn có 2 trung tâm giải quyết việc làm cho 152 lao động, trong đó có 72 lao động được đóng bảo hiểm xã hội, thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Vũ Thị Quê ở xã Bình Minh (Bình Giang) - người đang làm chủ cơ sở may cờ Tổ quốc còn tạo việc làm cho gần 20 công nhân là người khuyết tật (NKT) trên địa bàn. “Bản thân tôi từng trải qua nhiều cay đắng vì khuyết điểm cơ thể nên tôi thấu hiểu thiệt thòi của NKT. Từ lâu, tôi đã có ý định tạo việc làm cho NKT, đến nay tâm nguyện đó mới được thực hiện", bà Quê nói. NKT làm việc tại xưởng may của bà Quê được học nghề miễn phí, khi vào làm được hỗ trợ ăn trưa và nhận lương theo sản phẩm, mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Doanh nghiệp chung tay

Theo thống kê, Hải Dương hiện có khoảng 37.400 NKT, trong đó có khoảng 20.000 NKT trong độ tuổi lao động. Nhiều người đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thời gian qua, các cơ sở hội trong tỉnh đã cố gắng giúp NKT bằng cách giới thiệu cho họ công việc phù hợp trong các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Nha, cán bộ Hội NKT tỉnh cho biết: "Mỗi năm, hội giới thiệu được khoảng 50 NKT vào làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hầu hết NKT đi làm đều có thu nhập ổn định theo tay nghề. Các doanh nghiệp cũng quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định; tạo điều kiện ăn ở miễn phí cho NKT...".

Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã chủ động tạo điều kiện cho NKT vào làm việc. Đơn cử như Công ty TNHH Duy Thắm ở xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) chuyên sản xuất tai nghe điện thoại. Doanh nghiệp hiện có gần 30 lao động thì một nửa là NKT. Anh Nguyễn Khương Duy, Giám đốc công ty cho biết: "Công ty nhận NKT đầu tiên vào năm 2017, đó là anh Bùi Văn Hùng ở tỉnh Hà Nam, bị tai nạn mất một nửa bàn tay. Trước đó, anh Hùng đã xin việc ở nhiều nơi mà không được, thương tình nên tôi đồng ý để anh làm. Tạo cơ hội cho anh vào làm việc, không ngờ anh đáp ứng công việc tốt và gắn bó với công ty. Từ đó, tôi nghĩ tại sao không cho NTK cơ hội?". Hiện nay, công ty không chỉ tạo việc làm cho NKT trong tỉnh mà rất nhiều NKT ở tỉnh xa như: Sơn La, Vĩnh Phúc… Dù dạy nghề cho NKT có khó khăn nhưng công ty vẫn nhận cả người bị cụt tay, liệt chân, câm điếc, chậm phát triển... vào làm việc. Tại đây, NKT được đơn vị lo nơi ăn, chốn ở cùng mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Sắp tới công ty sẽ nhận thêm 10 NKT vào làm việc.

Ông Jang Se Yup, Giám đốc Công ty TNHH Sejin Vina (Ninh Giang), một công ty nhận NKT vào làm việc ngay từ những ngày đầu thành lập, cho rằng: “Công ty muốn tạo việc làm cho NKT vì bản thân họ đã chịu quá nhiều thiệt thòi”. Vì thế, không chỉ tạo việc làm tốt với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng, hằng năm công đoàn công ty đều phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện hỏi thăm, tặng quà dịp lễ, Tết cho công nhân là NKT.

Bằng sự hỗ trợ này, nhiều NKT đã vươn lên, vượt qua mặc cảm, tự ti để làm việc, hòa nhập cộng đồng. Hy vọng thời gian tới những mô hình hỗ trợ việc làm cho NKT trong tỉnh ngày càng được nhân rộng để đời sống NKT được cải thiện.

HUYỀN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giúp người khuyết tật thoát nghèo