Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, trong năm nay, tỉnh Hải Dương đã triển khai một số chính sách thiết thực, làm ‘bệ đỡ’ cho người khuyết tật bớt khó khăn trong cuộc sống.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, từ ngày 1/8/2024, mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh là 550.000 đồng/người/tháng, cao hơn 170.000 đồng so với trước và cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Chính phủ.
Người khuyết tật là nhóm đối tượng đông nhất được hưởng lợi từ chủ trương này. Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có hơn 81.000 đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó khoảng một nửa là người khuyết tật.
Năm lên 7 tuổi, ông Nguyễn Trọng Tỉnh (sinh năm 1957) ở thôn La Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) không may bị bệnh viêm màng não. Dù đã được gia đình đưa đi cứu chữa kịp thời song căn bệnh vẫn để lại di chứng nghiêm trọng.
Ông bị liệt nhẹ nửa người bên trái, đặc biệt cánh tay trái gần như không cử động được, giọng nói cũng bị ảnh hưởng, chân đi tập tễnh. Do thể trạng yếu, ông Tỉnh chỉ có thể làm các việc nhẹ kiếm sống qua ngày. Từ ngày 1/8, mức chuẩn trợ cấp xã hội được nâng lên nên mỗi tháng ông Tỉnh cũng nhận được 1,1 triệu đồng, cao hơn trước 340.000 đồng.
“Số tiền này với người khác có thể không nhiều nhưng với người không thể làm được việc nặng như tôi thì rất đáng quý. Tuổi ngày càng cao, tôi không thể làm thêm được gì nên nguồn trợ cấp xã hội rất có ý nghĩa, giúp tôi có nguồn kinh phí trang trải cuộc sống”, ông Tỉnh chia sẻ.
Cùng với quyết định về tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội, vào tháng 5/2024, HĐND tỉnh Hải Dương cũng đã ban hành nghị quyết về việc tiếp nhận một số đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương. Theo đó, nhóm đối tượng này đã được mở rộng hơn so với trước.
Cụ thể, gồm trẻ dưới 16 tuổi mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại (cha hoặc mẹ) đang hưởng chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, không có khả năng nuôi dưỡng.
Người khuyết tật đặc biệt nặng là người thuộc gia đình có từ 2 người khuyết tật có mức độ khuyết tật nặng trở lên hoặc là người không có cha, mẹ, vợ (chồng), con hoặc có vợ (chồng) nhưng đã ly hôn hoặc có cha, mẹ, vợ (chồng), con nhưng đều thuộc một trong những trường hợp: chết, mất tích, là người khuyết tật mức độ khuyết tật nặng trở lên, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng, đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trên 60 tuổi, dưới 18 tuổi.
Người cao tuổi có đủ các tiêu chí gồm: từ đủ 80 tuổi trở lên; thuộc hộ nghèo; không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng hoặc các khoản trợ cấp hằng tháng khác (trừ trợ cấp xã hội hằng tháng); không có vợ (chồng), con hoặc có vợ (chồng) nhưng đã ly hôn hoặc có vợ (chồng), con nhưng thuộc một trong các trường hợp chết, mất tích, đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy văn hóa, dạy nghề cho khoảng 450 đối tượng. Bà Nguyễn Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm cho biết việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trong tỉnh nói chung và đối tượng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội nói riêng đã tạo điều kiện cho việc chăm sóc y tế, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, dinh dưỡng, phục vụ ăn ngủ, nghỉ ngơi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh.
PV