Giữ "vé khứ hồi”

23/09/2022 11:15

Để giữ được tấm “vé khứ hồi” sau khi về nước đòi hỏi người lao động phải nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định về xuất khẩu lao động (XKLĐ).

Người lao động phỏng vấn trực tuyến với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng

Tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến diễn ra đầu tháng 9 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, một lao động quê ở Thanh Hà mới từ Hàn Quốc về nước đúng hạn chia sẻ câu chuyện: TP Deagu (Hàn Quốc) nơi anh làm việc có 10 lao động Việt Nam thì chỉ có anh và 3 người khác về nước đúng hạn. Những đồng hương trốn ở lại tìm được việc thì ngày đêm thấp thỏm vì sợ bị trục xuất về nước bất cứ lúc nào. Họ không dám đi lại thoải mái đến nhà hàng hay siêu thị. Thậm chí, do trốn ở lại có người bị chủ mới đối xử thậm tệ nhưng không dám nói.

Khi thuê lao động bất hợp pháp, chủ sử dụng lao động là người Hàn Quốc không phải nộp thuế, bảo hiểm, không mất chi phí đào tạo. Họ có thể thỏa thuận lương với người lao động (NLĐ) mà không phải trả theo mức Chính phủ Hàn Quốc quy định. Các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp thường lập xưởng hay bố trí “nơi ăn chốn ở” cho lao động ở những nơi hẻo lánh để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Lao động bỏ trốn thường phải làm việc trong môi trường không bảo đảm, thậm chí có người bị tai nạn lao động, bị thương nặng nhưng không được đền bù bất cứ một khoản tiền nào. Vì vậy, về nước đúng hạn là con đường tốt nhất để có cơ hội đàng hoàng trở lại làm việc ở nước ngoài khi có nhu cầu và đủ điều kiện.

Lâu nay, nhiều người ra nước ngoài làm việc chưa chú tâm nâng cao tay nghề, chủ động tiếp thu kiến thức chuyên môn, kỹ năng để có thể được chủ doanh nghiệp ở nước ngoài gia hạn hợp đồng, hoặc tích lũy đủ kinh nghiệm phát triển nghề nghiệp sau khi về nước. Họ rất sợ khi trở về sẽ khó kiếm được việc làm với mức thu nhập tốt hơn. Suy nghĩ đó của một số lao động đã tước đi cơ hội làm việc ở nước ngoài của nhiều người khác. Hệ quả, một số địa phương của Việt Nam trong đó có TP Chí Linh đã bị Hàn Quốc yêu cầu dừng đưa người sang nước này làm việc theo Chương trình EPS trong năm nay nếu số lao động đang cư trú bất hợp pháp không về nước...

Để giữ được tấm “vé khứ hồi” sau khi về nước đòi hỏi NLĐ phải nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm các quy định về xuất khẩu lao động (XKLĐ). Nhu cầu tuyển dụng lao động ở nước ngoài, nhất là những thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc từ nay đến cuối năm dự báo sẽ tăng mạnh. Chương trình hợp tác XKLĐ với nhiều chính sách ưu đãi đã được chính phủ hai bên ký kết. Cánh cửa XKLĐ luôn rộng mở nếu NLĐ Việt Nam thạo nghề và chấp hành nghiêm những cam kết khi làm việc ở nước ngoài. 

Thay vì trông vào sự tự nguyện của NLĐ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần hướng đến mục tiêu lâu dài làm sao để vừa bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực vừa nâng cao thu nhập cho NLĐ. Cơ quan quản lý nguồn nhân lực có thể nghiên cứu ưu tiên cho học sinh, sinh viên trường nghề đi XKLĐ thay vì tập trung vào nhóm lao động phổ thông. Việc tuyển chọn người đi XKLĐ cần kỹ lưỡng và bảo đảm yêu cầu về trình độ, tay nghề. Khi có trình độ, NLĐ sẽ được các doanh nghiệp nước bạn gia hạn hợp đồng mà không lo phải về nước khi hết thời hạn làm việc đã cam kết. Công tác quản lý NLĐ ở ngoài nước cũng cần được tăng cường, nhất là ở những nơi đã từng có nhiều lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp. Tạo cơ hội việc làm tốt cho lao động đi nước ngoài về nước đúng hạn cũng là cách để NLĐ yên tâm về nước.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương, toàn tỉnh hiện có hơn 17.000 lao động làm việc tại nước ngoài. Dự kiến trong năm nay, Hải Dương sẽ có từ 2.500-3.500 lao động hết hạn hợp đồng về nước. Mong rằng NLĐ Hải Dương sẽ vì uy tín, vì con đường tương lai của chính mình, của thị trường lao động trong nước để hồi hương, giữ chắc cho mình tấm "vé khứ hồi" giá trị. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giữ "vé khứ hồi”