Chi cục Kiểm lâm Hải Dương luôn chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng
Hải Dương hiện có hơn 11.000 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Để diện tích rừng của tỉnh được quản lý và bảo vệ ổn định, Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh chỉ đạo địa phương có rừng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và phát triển rừng bền vững.
Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đặc biệt chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là trong mùa hanh khô. Toàn tỉnh xác định 10 trọng điểm cháy rừng gồm 6 trọng điểm ở TP Chí Linh và 4 trọng điểm ở thị xã Kinh Môn, chủ yếu tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ gắn liền với các khu di tích lịch sử Côn Sơn-Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, đền Cao An Phụ…
Khi cấp dự báo cháy rừng từ cấp III-V, Chi cục Kiểm lâm Hải Dương chủ động phối hợp với các địa phương có rừng, các lực lượng công an, quân đội, chủ rừng thực hiện đồng bộ các biện pháp như: Thông tin cảnh báo cấp dự báo cháy rừng; bảo lực lượng thường trực 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Tết; Tăng cường tuần tra, kiểm tra nghiêm ngặt tại các khu vực trọng điểm cháy; chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", kiên quyết không để xảy ra cháy lớn.
Xây dựng và phát triển rừng bền vững
Để phát triển rừng bền vững, ông Phạm Hồng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hải Dương cho biết thời gian tới, chi cục tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt một số nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Hải Dương, để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội vào mục đích bảo vệ và phát triển rừng; tham mưu giải quyết đối với các công trình, dự án phải chuyển mục đích sử dụng rừng; ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2023, Chi cục Kiểm lâm Hải Dương đã phối hợp với các địa phương, đơn vị, chủ rừng, thực hiện trồng rừng sau khai thác đạt trên 250 ha và trồng mới 43 ha rừng góp phần phát triển kinh tế rừng và bảo đảm độ che phủ rừng đạt 5,3%.
Công tác bảo vệ động vật hoang dã
Năm 2023, lực lượng kiểm lâm Hải Dương đã tuyên truyền vận động người dân giao nộp 137 cá thể động vật hoang dã thuộc nhóm IB, IIB trong danh mục động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm như gấu ngựa, cu li, trăn, khỉ, rùa câm, đây là số lượng động vật hoang dã tự nguyện giao nộp nhiều nhất từ trước đến nay. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu UBND tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân và phối hợp với Tổ chức Động vật châu Á tiếp nhận, bàn giao các cá thể động vật hoang dã cho các trung tâm cứu hộ trong nước để chăm sóc và tái thả về môi trường tự nhiên.
NHẤT NGUYÊN