[Audio] Tăng độ che phủ rừng, giảm nhẹ thiên tai

23/08/2023 11:12

Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng không chỉ bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

00:00


1 ha keo tai tượng mới trồng trên vạt đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Phương ở khu Phú Lợi, phường Bến Tắm (TP Chí Linh) phát triển xanh tốt

Trồng lại rừng sau khai thác

Ông Nguyễn Văn Phương (ở khu Phú Lợi, phường Bến Tắm, TP Chí Linh) mới trồng bổ sung 1 ha keo tai tượng trên vạt đồi của gia đình nhận khoán. Sau 2 tháng cây phát triển tốt, mỗi cây cao khoảng 40-50 cm. Gia đình ông Phương nhận khoán hơn 11 ha rừng, trong đó có 3,8 ha rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Ông Phương cho biết: "Sau khi khai thác, thu hoạch diện tích rừng sản xuất, gia đình tôi bố trí trồng bổ sung lại ngay, không để đất trống. Mặc dù cách xa nơi ở nhưng tôi thường xuyên lên thăm, chăm bón cây mới trồng. Phải mất từ 5-10 năm sau, diện tích keo tai tượng này mới được thu hoạch".

Trên các quả đồi xung quanh vườn keo của gia đình ông Phương, nhiều hộ dân khác cũng mới trồng bổ sung diện tích rừng sau khai thác, thu hoạch, cây trồng chủ yếu là keo. Nổi bật nhất là vườn keo rộng hơn 3 ha của hộ ông Nguyễn Văn Sinh cùng ở khu Phú Lợi (phường Bến Tắm), do được trồng sớm hơn nhà ông Phương nên cây đã xanh tốt, cao hơn 1 m, thân mập mạp, rậm lá, tán rộng.

Trong năm 2023, các đơn vị, chủ rừng, các hộ nhận khoán rừng phấn đấu trồng 66,75 ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 150 ha rừng sản xuất sau khai thác của năm 2022 (121,57 ha) và 6 tháng đầu năm 2023. Tính đến tháng 8 này, diện tích trồng lại rừng sản xuất sau khai thác đạt 80,24 ha, chiếm 53,5%, chủ yếu trồng cây keo và cho tái sinh cây chồi bạch đàn (TP Chí Linh 69,9 ha, thị xã Kinh Môn 10,34 ha). Phần diện tích còn lại các hộ đang tiến hành dọn vệ sinh, xử lý thực bì, cuốc hố chuẩn bị trồng trong thời gian tới. Đối với 66,75 ha rừng phòng hộ, đặc dụng, hiện nay Ban Quản lý rừng Hải Dương đang hoàn thiện hồ sơ, thực hiện từ nguồn kinh phí ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.


Kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở tại dốc đèo Gù, đường lên đền Cao An Phụ (ảnh cơ sở cung cấp)

Bảo vệ rừng, phòng chống sạt lở

Toàn tỉnh có hơn 11.100 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn. Hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đôn đốc các địa phương, đơn vị, chủ rừng, hộ nhận khoán trồng, chăm sóc hàng trăm ha rừng thay thế, cải tạo và rừng sau khai thác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở đồi, núi, bảo vệ các công trình công cộng, nhà cửa của người dân.

Theo khuyến cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mùa vụ trồng rừng chủ yếu diễn ra từ tháng 2-3 (vụ xuân) và từ tháng 6-8 (vụ hè thu), loài cây chủ yếu gồm keo, bạch đàn, thông, lát hoa. Trồng rừng đúng mùa vụ sẽ hạn chế được những tác động bất lợi của thời tiết, thiên tai và sâu bệnh hại đối với cây trồng.

Ông Phạm Hồng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết nhằm thực hiện mục tiêu đề ra, từ đầu năm 2023, Chi cục Kiểm lâm đã đề nghị các địa phương có rừng, Ban Quản lý rừng Hải Dương tăng cường đôn đốc các hộ nhận khoán rừng trồng lại rừng theo mùa vụ để bảo đảm ổn định độ che phủ rừng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh. Các hộ nhận khoán rừng chủ động chuẩn bị cây giống tốt, trồng đúng kỹ thuật. Tranh thủ trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm, để bảo đảm cây trồng đạt tỷ lệ sống cao. Chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại đối với cây trồng.

Ngoài phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng chỉ đạo Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh và Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tăng cường tuần tra, phát hiện, ngăn chặn và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có như phá rừng, khai thác rừng trái phép, san ủi, xây dựng công trình trái phép trên đất rừng.

Thời gian qua do ảnh hưởng của mưa nhiều, một số tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra hiện tượng sạt lở đồi, núi nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Ở tỉnh ta, ngay tại thị xã Kinh Môn cũng xảy ra 2 điểm sạt lở núi, ảnh hưởng an toàn giao thông và an toàn của một số hộ dân. Trước tình hình đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm TP Chí Linh và Hạt Kiểm lâm thị xã Kinh Môn chú trọng kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất rừng để kịp thời báo cáo, tham mưu UBND thành phố, thị xã có phương án xử lý, giải quyết, bảo đảm an toàn cho người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

VĂN NGHIỆP

(0) Bình luận
[Audio] Tăng độ che phủ rừng, giảm nhẹ thiên tai