Môi trường

Hải Dương chủ động phòng chống cháy rừng mùa hanh khô

NHẤT NGUYÊN 14/12/2023 09:00

Phòng chống cháy rừng mùa hanh khô là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu của lực lượng kiểm lâm Hải Dương, các cơ quan chức năng của TP Chí Linh và thị xã Kinh Môn.

chay-rungleninh.jpg
1,2 ha rừng ở thôn Lê Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn) bị cháy ngày 26/2 (Ảnh tư liệu)

Không có cháy lớn

Mặc dù công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng được tăng cường, nhưng do ý thức của một số người dân chưa cao nên từ đầu năm đến hết tháng 11, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra một số vụ cháy rừng nhỏ tại thị xã Kinh Môn và TP Chí Linh.

Chiều tối 26/2, trong khi tuần tra, lực lượng chức năng phát hiện một đám cháy bốc lên tại khu rừng phòng hộ ở thôn Lê Xá, xã Lê Ninh (Kinh Môn). UBND thị xã Kinh Môn lập tức huy động lực lượng chữa cháy gồm Hạt Kiểm lâm, Trạm Quản lý rừng, Công an, Ban Chỉ huy quân sự thị xã và cán bộ, nhân dân các xã Lê Ninh, Quang Thành, Bạch Đằng đến dập tắt đám cháy. Vụ cháy làm 1,2 ha rừng phòng hộ gồm thông, keo bị sém gốc, táp lá ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Ngày 23/5, tại xã Lê Ninh lại xảy ra vụ cháy 1,62 ha rừng phòng hộ.

Ông Mao Việt Hải, Hạt trưởng Kiểm lâm Kinh Môn cho biết các vụ cháy rừng thường xảy ra vào mùa khô do ít mưa, nắng hanh, độ ẩm trong không khí thấp, cành cây khô, lá rụng tạo thành nguồn vật liệu cháy rất nguy hiểm. Từ tháng 11/2022 đến tháng 5/2023, trên địa bàn thị xã Kinh Môn xảy ra 9 vụ cháy rừng nhỏ, tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng các vụ cháy làm 7,4 ha rừng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân cháy rừng chủ yếu do người dân, người đi rừng dùng lửa bất cẩn.

TP Chí Linh có hơn 9.000 ha rừng, chiếm phần lớn diện tích rừng cả tỉnh (hơn 11.000 ha), chủ yếu là thông, keo, bạch đàn. Trong đó, rừng tự nhiên thuộc loại rừng nghèo kiệt, đang phục hồi sau khai thác; rừng trồng phần lớn là thông, keo đang được khai thác nhựa, gỗ. Cả hai loại rừng này đều có nguy cơ cháy cao. Từ đầu năm 2023 đến nay trên địa bàn TP Chí Linh xảy ra 3 vụ cháy rừng nhỏ, được phát hiện sớm, huy động lực lượng chữa cháy kịp thời nên mức độ thiệt hại không đáng kể, chỉ cháy thảm thực vật bề mặt, cây bị sém gốc, không ảnh hưởng đến cây trồng chính.

Tuy nhiên, việc phòng chống cháy rừng của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thiết bị, phương tiện chữa cháy. Nhiều phương tiện chữa cháy khó tiếp cận đám cháy nên biện pháp chữa cháy rừng chủ yếu bằng dụng cụ thủ công để dập lửa, khoanh vùng cách ly đám cháy. Việc huy động nhân lực tại chỗ và hộ nhận khoán rừng không phải người địa phương gặp khó khăn, vì thế khi xảy ra cháy rừng khó liên lạc và phối hợp xử lý kịp thời.

Duy trì cảnh báo cháy rừng cấp cao nhất

kiemlamphatcaybui.jpg
Lực lượng Hạt Kiểm lâm Chí Linh phối hợp cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và hộ nhận khoán rừng tuần tra, phát quang cây bụi tại khu vực núi Phượng Hoàng (phường Văn An)

Nếu để xảy ra cháy rừng lớn sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng và lâu dài. Để chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dẫn đến cháy rừng và giảm thiểu số vụ cháy, thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh Hải Dương đã sớm ban hành Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh với phương châm "Phòng là chính, chữa cháy kịp thời". Trong đó chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương triển khai ngay các nhiệm vụ được giao và có thời hạn giải quyết công việc.

Tỉnh đã xác định 10 trọng điểm phòng chống cháy rừng cần phải bảo vệ gồm 6 trọng điểm ở Chí Linh và 4 trọng điểm ở Kinh Môn. Rừng thông, keo ở khu vực di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt An Phụ là trọng điểm có diện tích lớn nhất ở Kinh Môn với 564,4 ha. Ngoài bảo đảm lực lượng thường trực 24/24 giờ trong ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, Trạm Kiểm lâm An Sinh (Hạt Kiểm lâm Kinh Môn) phối hợp Ban Quản lý di tích đền Cao tuyên truyền nhắc nhở du khách nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không dùng lửa trong rừng, ven rừng, đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Trước diễn biến bất thường của mùa đông ấm, ít mưa, hanh khô kéo dài, độ ẩm không khí thấp, từ ngày 24/11, Chi cục Kiểm lâm Hải Dương liên tục phát thông báo cảnh báo cháy rừng ở cấp cao nhất, cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng rất lớn và lan tràn nhanh trên tất cả các loại rừng.

baoverung111.jpg
Hạt Kiểm lâm Chí Linh kẻ vẽ lại 20 bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trên địa bàn

Ông Mạc Đình Thắng, Hạt trưởng Kiểm lâm Chí Linh cho biết: "Chúng tôi chủ động tham mưu UBND TP Chí Linh chỉ đạo các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, đơn vị chủ rừng và UBND các xã, phường tăng cường tuần tra, kiểm tra nghiêm ngặt trong khoảng thời gian từ 14 giờ đến 19 giờ hằng ngày tại các khu vực trọng điểm cháy. Nghiêm cấm các hoạt động phát dọn thực bì, đốt dọn vườn. Chuẩn bị sẵn sàng phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy rừng xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ".

Ông Vương Công Hải nhận khoán 14,4 ha rừng đặc dụng ở khu vực núi Phượng Hoàng, phường Cộng Hòa (Chí Linh) cho biết, gần đây, Đài truyền thanh xã liên tục phát cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm nên người dân luôn đề cao cảnh giác, chuẩn bị các dụng cụ phòng cháy, chữa cháy tại chỗ và thường xuyên kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng nhận khoán của mình.

NHẤT NGUYÊN
(0) Bình luận
Hải Dương chủ động phòng chống cháy rừng mùa hanh khô