Để giữ chân công nhân thì chỉ những việc làm của doanh nghiệp thôi là chưa đủ. Nó cần đến nhiều yếu tố, trong đó có vai trò to lớn từ phía các cấp chính quyền, tổ chức liên quan.
Mới đây, báo Hải Dương đăng bài "Doanh nghiệp phải đi xa tuyển công nhân" của tác giả Minh Nguyên. Bài viết nêu thực trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực may mặc, giày da, điện tử... "khát" lao động, trong khi nguồn lao động tại địa phương ngày càng khan hiếm. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tìm kiếm lao động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để giữ chân công nhân thì chỉ những việc làm của doanh nghiệp thôi là chưa đủ. Nó cần đến nhiều yếu tố, trong đó có vai trò to lớn từ phía các cấp chính quyền, tổ chức liên quan. Địa phương nơi họ làm việc có tạo ra môi trường sống phù hợp, có những chính sách nhân văn bảo đảm cuộc sống thì người lao động mới yên tâm gắn bó với công việc ở nơi đất khách quê người.
Tôi từng gặp những công nhân đến từ Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Lạng Sơn... ở Hải Dương cả chục năm trời. Nhưng cũng từng ấy thời gian họ phải sống trong những căn nhà trọ chật chội, ẩm thấp, chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Có những người đã lập gia đình, sinh con đẻ cái. Người thì giấu chặt nỗi nhớ con gửi về quê nhờ ông bà chăm sóc, khiến không ít đứa trẻ phải dứt hơi mẹ từ khi còn rất nhỏ. Ngược lại, nhiều người lựa chọn để con sống cùng, nhưng điều kiện vật chất không có, tuổi thơ những đứa trẻ ấy đành trôi qua đầy bí bách, thiếu thốn trong căn nhà trọ. Thực trạng không thể an cư này khiến rất nhiều công nhân ở xa về Hải Dương làm việc đành phải bỏ ngang giữa chừng để thu xếp cuộc sống gia đình.
Để giúp công nhân an cư, thời gian qua, Hải Dương đã không ít lần bàn về vấn đề xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, trong đó đối tượng được quan tâm nhiều là công nhân. Nhưng đến nay, việc triển khai thực chất vẫn còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh mới có một vài khu nhà ở dành cho công nhân. Song thật đáng tiếc, chỗ thì không thể thu hút công nhân đến ở, chỗ thì tỷ lệ công nhân ở vẫn rất thấp. Về nguyên nhân, tuy là nhà dành cho công nhân nhưng giá thuê, mua vẫn ở mức cao; điều kiện không đáp ứng nhu cầu thiết thực của người lao động trong doanh nghiệp...
Ngoài ra, hiện chưa có khu công nghiệp tập trung đông công nhân xây dựng được trường, lớp mầm non để người lao động gửi con. Do đặc thù công việc, công nhân thường phải tăng ca về muộn hoặc làm đêm, nên việc gửi con nhỏ rất khó khăn. Nếu không có sự hỗ trợ thì họ gần như không thể tự xoay xở được...
Như vậy, có thể thấy rằng việc giữ chân công nhân không thể là cuộc chiến đơn độc của doanh nghiệp, mà cần sự chung sức của cả chính quyền. Khi có sự phối hợp mới tạo ra điều kiện tốt nhất dành cho người lao động. Tỉnh cần tính đến nhiều phương án, trong đó có cả việc xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí để thực hiện các chính sách an sinh dành cho chính người lao động của họ. Việc làm này là bức thiết trong bối cảnh Hải Dương đang chú trọng phát triển công nghiệp, không ngừng thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
NGỌC THANH