Thừa Thiên Huế mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và nội địa, nhiều bạn trẻ đã đến và chụp ảnh với trang phục truyền thống tại các địa điểm nổi tiếng.
Thúy An chụp ảnh với Kỳ đài
Lần đầu đến Huế, Thúy An (ngụ tại Hải Phòng) đã có những kỷ niệm khó quên vì thực hiện bộ ảnh cổ phục đánh dấu năm 2022 tại Đại nội Huế.
“Trước giờ mình đi Đà Nẵng nhiều nhưng chưa lần nào tới Huế. Lần đầu đến đây, mình thấy Huế rất thanh bình, hiện đại xen lẫn cổ kính, thời tiết cũng mát mẻ nữa”.
Từng học khối C, biết nhiều thông tin về các triều vua nhưng năm nay mới có dịp đến Huế khiến An cảm thấy may mắn và ý nghĩa
Thúy An cho biết đã mong muốn chụp bộ ảnh với cổ phục Việt từ lâu nhưng đến đây, bạn mới quyết tâm thực hiện luôn. Dù quyết định vội và sát giờ, An vẫn tận dụng từng phút giây để hoàn thành mục tiêu mỗi năm một bộ ảnh lưu giữ thanh xuân với áo tấc đỏ.
Thúy An chia sẻ: “Mình đã được chụp ở Đại nội, cầu Trường Tiền và chùa Thiên Mụ. Đúng là Huế đẹp và êm đềm vào ban ngày, còn tối lại thơ mộng và bình yên”.
Thúy An tạo dáng với quạt cầm tay
Mặc cổ phục ở Huế ý nghĩa hơn nhiều vì đây là cố đô. Sự cổ kính toát ra từ các công trình lịch sử
Cùng các bạn đến Huế vào mùa du lịch mở cửa, Chánh Nhật (22 tuổi, sinh viên Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí MInh) phải thuê ngay 2 bộ áo dài tại làng Hương và Đại nội Huế vì muốn lưu giữ kỷ niệm.
Màu áo xanh được nhiều người trẻ ưa chuộng để thuê khi đến Huế
“Giá cho thuê rẻ, chỉ 50.000 đồng/bộ đầy đủ từ nón, áo quần, quạt cầm tay,... mà mình có ngay những tấm hình để “sống ảo” thì còn gì bằng”, Chánh Nhật cho hay.
Tại làng Hương vốn đã nhiều màu sắc, bạn được tư vấn chọn một bộ áo dài màu xanh nhẹ để không chìm vào màu của nhang mà vẫn nổi bật
Chánh Nhật và nhóm bạn thân cũng tranh thủ thuê trang phục truyền thống để chụp ảnh tại Hoàng thành Huế. Đây cũng là chuyến đi đánh dấu thời sinh viên của cả nhóm.
Đồng hành trong chuyến đi với Chánh Nhật là Thùy Dương vốn đam mê áo dài cũng xúng xính không kém với áo tấc trắng, đỏ.
Thùy Dương và áo tấc trắng tinh khôi
Thùy Dương tiếc nuối: “Mình nhớ Huế vì chỉ cần cầm 100.000 đồng là có thể ăn 2 tô cơm hến, 5 ly chè gần sông Hương, 1 dĩa bánh bột lọc, thậm chí nghía qua một tô bún rồi tráng miệng bằng ly cà phê muối “đỉnh cao” ở gần Đại nội”.
Các bạn thích thú với chuyến du lịch đến Huế
Bạn trẻ tạo dáng với trang phục truyền thống
Tuy nhiên, vì tâm lý e ngại tình hình dịch bệnh vẫn còn, lượng khách đến Huế vẫn chưa thật sự đông. Các chính sách ưu đãi cũng còn khá ít và cần nâng cao chất lượng để thu hút khách du lịch.
Thúy An nói: “Mình mong Thừa Thiên Huế sẽ được truyền thông nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ khách vì chi phí tham quan các di tích lịch sử quốc gia khá cao. Nguồn tu bổ không chỉ phụ thuộc vào phí vào cổng”. Bên cạnh đó, An hy vọng dịch vụ các tuyến xe vòng quay khu vực Hoàng thành sẽ cải thiện chất lượng và chuyên nghiệp hơn.
Hiện tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở cửa hoàn toàn cho các hoạt động du lịch, hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá điểm đến, liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các địa phương và doanh nghiệp, tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch trong và ngoài nước; tổ chức xuyên suốt các hoạt động phục vụ festival bốn mùa.
Với điểm nhấn là quảng bá hình ảnh Huế với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài”, việc Thừa Thiên Huế mở cửa hoàn toàn trong thời điểm này là cơ hội để ngành du lịch phát triển trở lại mà vẫn đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Theo Tuổi trẻ