Đời sống văn hóa

Áo dài "kể chuyện" văn hóa, du lịch xứ Đông

BẢO ANH 21/04/2024 05:36

Nhiều người đã dành cho Hải Dương tình yêu đặc biệt bằng cách thiết kế, quảng bá những di sản, nét đẹp văn hóa xứ Đông trên những chiếc áo dài truyền thống.

dsc_6581.jpg
Bộ sưu tập áo dài “Xuân Đán” của nhà thiết kế Đặng Linh Anh lấy cảm hứng từ những bài thơ của nhà giáo Chu Văn An (ảnh cơ sở cung cấp)

Quảng bá vẻ đẹp Hải Dương

Khi giai điệu bài hát “Nhớ về Hải Dương” vang lên cũng là lúc khán giả trầm trồ trước những tà áo dài mang đậm nét văn hóa xứ Đông của 3 nhà thiết kế Bùi Mận, Đàm Huyên và Thảo Vân được giới thiệu trên sân khấu Nhà hát Hồ Gươm trong chương trình biểu diễn áo dài “Hương sắc Việt” tháng 3 vừa qua. Hình ảnh phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, Trung tâm Văn hóa xứ Đông, đền Tranh, đảo Cò, Côn Sơn, Kiếp Bạc… lần đầu xuất hiện trên những tà áo dài thướt tha, mềm mại.

Chị Nguyễn Thanh Thảo, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), quê ở huyện Ninh Giang tự hào giới thiệu với bạn bè đi cùng nét đẹp văn hóa gắn với từng miền di sản của Hải Dương. Chị Thảo cho biết: “Xem bộ sưu tập của các nhà thiết kế Hải Dương, tôi như thấy quê hương ở gần. Sau khi xem trình diễn, bạn bè tôi rất háo hức muốn sớm được về thăm những điểm mà các nhà thiết kế Hải Dương giới thiệu trên áo dài”.

img_3372.jpg
Nhà thiết kế Thảo Vân (TP Hải Dương) nghiên cứu đưa hình ảnh làng nghề Hải Dương lên áo dài

Quảng bá văn hóa địa phương trên áo dài không mới nhưng với nhà thiết kế Thảo Vân (TP Hải Dương) thì đây là lần đầu chị thực hiện ý tưởng này. Chị Thảo Vân cho biết: “Tôi may mắn được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh giới thiệu và tạo điều kiện cho tham gia khóa học của nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Từ nhỏ, khi tới Côn Sơn - Kiếp Bạc, nơi có những đồi thông già vi vu, suối Côn Sơn rì rầm chảy và cổng đền Kiếp Bạc uy nghi, tôi đã khắc ghi những hình ảnh này vào tâm trí. Vì vậy, khi thiết kế, tôi bật ngay ý tưởng đưa những hình ảnh trên lên tà áo dài truyền thống”.

Với mong muốn giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, du lịch của Hải Dương thông qua ngôn ngữ thời trang, nhà thiết kế Đặng Linh Anh, quê ở Chí Linh đã kỳ công thiết kế bộ sưu tập áo dài “Xuân Đán”, lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của Vạn thế Sư biểu Chu Văn An. Bộ sưu tập áo dài độc đáo này đã được giới thiệu đến công chúng tại Tuần Văn hóa ẩm thực, du lịch và xúc tiến thương mại Hải Dương trong khuôn khổ Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2024.

Tự tay vẽ từng nét chữ, bông hoa, hình khối, phong cảnh lên tà áo dài, nhà thiết kế Đặng Linh Anh đã khéo léo đưa người xem trở về với không gian một buổi sáng mùa xuân thế kỷ XIV, thời điểm thầy giáo Chu Văn An về ở ẩn. Nhà thiết kế Đặng Linh Anh chia sẻ: “Câu chuyện về thầy giáo Chu Văn An - người thầy của muôn đời cần được nhiều thế hệ biết đến. Qua tà áo dài, cuộc đời, sự nghiệp của thầy Chu được tái hiện một phần và qua đây tôi muốn gợi mở để người xem tìm hiểu, biết đến những giá trị văn hóa, lịch sử của xứ Đông”.

Đại sứ” văn hóa, du lịch

433120832_1490699705044387_3631722962528647935_n.jpg
Vùng đất Kinh Môn cũng được thể hiện trên những thiết kế của áo dài (ảnh cơ sở cung cấp)

Đánh giá về ý nghĩa của việc quảng bá văn hóa, du lịch Hải Dương qua áo dài, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương cho rằng những năm gần đây áo dài truyền thống được quan tâm tôn vinh. Nhiều sự kiện của Hải Dương có sự hiện diện của áo dài. Người Hải Dương đã biết giới thiệu nét đẹp văn hóa, di sản, danh lam, thắng cảnh, đặc sản của tỉnh qua những hoa văn, họa tiết độc đáo in, thêu trên áo dài. Nhiều chị em mặc áo dài đến các danh lam, thắng cảnh, những địa điểm văn hóa của Hải Dương chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội. Đây cũng là cách để giới thiệu về quê hương mình. Áo dài đã trở thành “đại sứ” văn hóa, du lịch.

cs.png
Phụ nữ mặc áo dài chụp ảnh tại nhiều di tích, danh lam, thắng cảnh của Hải Dương để quảng bá nét đẹp của quê hương (ảnh cơ sở cung cấp)

Để quảng bá hình ảnh áo dài, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa quê hương trong mỗi hội viên phụ nữ, từ năm 2019 đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Hải Dương đã phát động và tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh áo dài gắn với quảng bá văn hóa địa phương. Thông qua "Tuần lễ áo dài" tổ chức định kỳ hằng năm vào tuần đầu tháng 3, hội thi duyên dáng áo dài hay các màn đồng diễn áo dài, thi thiết kế áo dài, tặng áo dài cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tại nhiều địa phương đã góp phần quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam và văn hóa xứ Đông.

Theo chị Nguyễn Thị Lâm, Trưởng Ban Tuyên giáo - chính sách (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh), tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc sản quê hương Hải Dương trên thiết kế áo dài đã tạo nên nét độc đáo và mới lạ của "Tuần lễ áo dài" năm nay. Áo dài như ngôn ngữ thời trang, trở thành "đại sứ" văn hóa lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng. Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động trình diễn áo dài gắn với quảng bá văn hóa và du lịch Hải Dương; lan tỏa hình ảnh phụ nữ, nam giới, trẻ em trong trang phục áo dài trên báo chí, mạng xã hội; kết nối, tạo điều kiện cho chị em có khả năng được học thiết kế áo dài...

BẢO ANH
(0) Bình luận
Áo dài "kể chuyện" văn hóa, du lịch xứ Đông