Khởi đầu năm mới, nhiều bạn trẻ chọn xách balô lên và đi, mục tiêu phía trước của họ là chinh phục những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, thỏa đam mê "xê dịch", khám phá vùng đất mới.
Đầu năm mới, nhóm bạn trẻ chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San cao 2.965m so với mực nước biển - Ảnh: HÀ THANH
Từ TP Hồ Chí Minh, chàng trai "gen Z" Tiên Kha Bảo (23 tuổi) tham gia nhóm leo núi chinh phục "miền cổ tích" Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) - cách Sa Pa chừng 60km.
Những ngày đôi chân chưa mỏi...
Không phải dân leo núi chuyên nghiệp, ngọn núi cao thứ 9 Việt Nam với 2.965m là thử thách không hề dễ dàng với chàng trai Sài thành. Những dốc núi cao thẳng đứng nối tiếp nhau, sương mù giăng lối từ chân lên đến đỉnh núi, có lúc đầu gối mỏi nhừ, đôi giày "không chịu nghe lời" khiến Bảo tụt lại phía sau đoàn. Được động viên, tiếp thêm sức mạnh, bạn xốc lại tinh thần, đứng dậy và đi tiếp.
"Đỉnh núi Nhìu Cồ San thuộc top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Với tôi, đây là thách thức không nhỏ vì lần đầu tiên tôi tham gia leo núi. Nhưng tôi đặt mục tiêu phải chinh phục đỉnh núi này ngay trong đầu năm mới", Bảo quả quyết.
Ngày đầu tiên, mất hơn 5 giờ đồng hồ leo núi mới đến được lán nghỉ. Sang ngày thứ hai, cung đường chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi cơn mưa rừng trút xuống từ sáng sớm. Bảo tự hỏi: "Khó thế này, có nên leo tiếp hay không?". Nhớ lại quyết tâm trước lúc lên đường xách balô từ miền Nam ngược ra phía Bắc, chàng trai "gen Z" quả quyết phải chinh phục được.
"Giây phút chạm đến đỉnh Nhìu Cồ San, tôi đặt mục tiêu sẽ không dừng lại ở ngọn núi này mà tiếp tục chinh phục các đỉnh núi khác, sẽ không dừng lại ở Việt Nam mà vươn ra các đỉnh núi ở nước ngoài. Không dừng lại ở leo núi, tôi cũng đặt quyết tâm chinh phục "mọi đỉnh núi" trong cuộc sống", Bảo nói.
Đứng trên đỉnh Ngũ Chỉ Sơn cao 2.858m so với mực nước biển, cô gái Dương Vy (32 tuổi) không giấu được cảm xúc: "Những ngày chân chưa mỏi, có tiền cũng không mua lại được".
Với hình ảnh biểu trưng cho năm ngón tay chĩa lên trời, Ngũ Chỉ Sơn được mệnh danh là "đệ nhất hùng quan Tây Bắc", từ lâu được coi là huyền thoại của Sa Pa. Trước Tết Nguyên đán, Vy cùng nhóm bạn đã lên lịch "xê dịch", rủ nhau leo núi dịp đầu năm. Cô nàng chia sẻ, hành trình chinh phục Ngũ Chỉ Sơn thực là một trong những cung đường khó khăn với đủ loại địa hình, khiến cô đặt mục tiêu tiếp tục đi, tiếp tục khám phá những điều mới mẻ.
"Ngày đầu thời tiết khá thuận lợi, nhưng đến chặng thứ hai thật sự thử thách, trời đổ mưa liên tục, một số người quyết định ở lại lán nghỉ. Nhưng tôi vẫn đi tiếp, thay vì cứ loay hoay tự hỏi nên ở lại hay đi, không biết đỉnh núi này đẹp như thế nào thì tự mình chinh phục, khám phá sẽ thú vị hơn", Vy bày tỏ.
Chạm đến cảm giác chiến thắng
Năm 2017 sau một tai nạn, Hoàng Dương Hải Linh (32 tuổi, quê ở Hải Dương) bị gãy 4 xương sườn, xẹp phổi phải, rạn xương chậu, tổn thương gan. Đến năm 2018, trải qua 2 cuộc phẫu thuật, sức khỏe thuyên giảm nhưng khát khao đặt chân lên đỉnh núi, mong muốn vượt qua giới hạn của bản thân thúc giục Linh vác balô, chinh phục những đỉnh núi cao phía Bắc.
"Khi chinh phục các đỉnh núi, mình nhận ra: ngọn núi khó leo nhất là ngọn núi trong lòng mỗi người. Hành trình khó chinh phục nhất là hành trình chinh phục bản thân. Tấm bằng khó đạt được nhất là sự bằng lòng của chính chúng ta về mọi thứ trong cuộc đời", Linh chia sẻ.
Ngay đầu năm 2022, Linh cùng nhóm bạn đã thực hiện chuyến trekking lên đỉnh Lùng Cúng cao 2.913m, thuộc xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đường lên đỉnh hầu hết là dốc lên thẳng đứng, 15 thành viên trong đoàn ai ai cũng đều trải qua cảm giác "vồ ếch". Ngày leo thứ nhất dường như đã vắt kiệt sức lực và ý chí của tất cả mọi người. Đến ngày thứ hai, đã có 10 người bỏ cuộc, chỉ còn 5 thành viên lên đến đỉnh núi. "Giây phút đặt chân đến đỉnh, mình có cảm giác của người chiến thắng", Linh nhớ lại giây phút khó quên.
Đứng trước ngưỡng tuổi 30, công việc chưa ổn định, tình duyên lận đận, Hoàng Thùy Trang (30 tuổi, ở Hà Nội) đối mặt rất nhiều áp lực trong cuộc sống. Để giải tỏa căng thẳng, Trang đặt mục tiêu chinh phục đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Kỳ Quan San. Thế nhưng trước chuyến đi 2 ngày, cô bị sốt cao, đầu nóng hầm hập. Đã tiêm 3 liều vắc xin COVID-19 nhưng Trang vẫn lo lắng "em Vy" ghé thăm sẽ khiến cô bỏ lỡ kế hoạch leo đỉnh Bạch Mộc Lương Tử. Để bảo đảm an toàn, Trang vào bệnh viện làm xét nghiệm và thở phào nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sự may mắn càng là động lực để Trang tiếp tục ước mơ leo đỉnh Bạch Mộc Lương Tử.
Hành trang mang theo
Để chuẩn bị tốt nhất cho hành trình leo núi, Hải Linh chia sẻ "bí kíp" phải có một đôi giày phù hợp (quan trọng nhất), tối giản hóa đồ đạc cần mang theo. Thông thường, các cung trekking ở Việt Nam kéo dài khoảng 2 - 3 ngày, ở trên lán không có chỗ tắm, thời tiết lạnh, nên mang theo áo giữ nhiệt, áo phao, áo gió, tất dày và dài. Có thể chuẩn bị thêm miếng dán giữ nhiệt nếu không chịu lạnh được tốt. Điều quan trọng nữa là phải mang theo nước, đồ ăn phù hợp cho các cung trekking.
"Cuối cùng không thể thiếu chính là ý chí chinh phục đỉnh núi", Linh quả quyết.
Theo Tuổi trẻ