"Giỏ tre" cho biết nhớ về chốn xưa

Dành cho người yêu thơ
NGUYỄN NGỌC PHÚ 17/12/2023 09:00

Bài thơ “Giỏ tre” chứa đựng bao nỗi niềm, bao dự cảm của đứa con của làng khi anh trở về và nhận ra: “Nhà còn một chiếc giỏ tre/ Lửng lơ góc bếp vọng nghe gió đồng”.

GIỎ TRE

Nhà còn một chiếc giỏ tre
Lửng lơ góc bếp vọng nghe gió đồng
Con về gặp chiếc giỏ không
Lặng im mà bỗng ngập lòng ngày xa

Khúc tre vườn cũ cội già
Tay cha vót những thật thà thành nan
Con ngồi ngắm chiếc giỏ đan
Chợt nghe tiếng ếch đê làng gọi mưa

Đồng xa mót tép, mò cua
Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy
Giỏ thì nặng, mẹ lại gầy
Bát canh mẹ nấu cũng đầy mồ hôi

Đội mưa, cõng nắng vào đời
Giỏ theo con suốt một thời hàn vi
Đầy vơi giỏ chẳng nói gì
Quanh năm lấm láp cũng vì nuôi con

Một đời ngấm vị bùn non
Thời gian sương khói vẫn còn dấu quê
Cúi đầu tạ chiếc giỏ tre
Cho con đi biết nhớ về chốn xưa

NGUYỄN VĂN SONG

14358922_302791280089116_1395003306790171272_n.jpg

Tác giả Nguyễn Văn Song mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam nhưng đã gây được sự chú ý bằng giọng thơ lục bát có duyên riêng. Anh đã đạt giải cao nhất bằng chùm thơ lục bát 3 bài cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 2020. Nhà thơ cũng có một số bài thơ từng được đăng trên báo Hải Dương cuối tuần. Thơ anh thấm đậm tình quê, hồn quê da diết.

Thơ Nguyễn Văn Song thường có những phát hiện tinh tế của chất thơ cuộc sống thường ngày chân chất, mộc mạc, tạo ra chất “men” đồng cảm lan tỏa bởi sự đôn hậu ân tình, truyền cảm hứng tình yêu cuộc sống. Có gì vừa lay thức vừa thiết tha một dư vị của đồng quê xóm mạc.

Bài thơ “Giỏ tre” chứa đựng bao nỗi niềm, bao dự cảm của đứa con của làng khi anh trở về và nhận ra: “Nhà còn một chiếc giỏ tre/ Lửng lơ góc bếp vọng nghe gió đồng”. Chiếc giỏ tre làm bằng phương pháp thủ công do: “Tay cha vót những thật thà thành nan”. Hai chữ vót “thật thà” thật sâu nặng với bao gửi gắm, chuyển tải bao ngẫm ngợi về cốt cách đạo lý làm người.

Cái hay của tứ thơ là từ chiếc giỏ tre tác giả đã vẽ lên khung cảnh hơi thở của không khí làng quê thật sống động, chứa chan bao tình nghĩa. Từ chiếc giỏ tre nhà thơ nghe được: “Tiếng ếch đê làng gọi mưa”. Và đặc biệt hiện lên hình ảnh người mẹ già thật cảm động: “Mẹ về nghẹn gió giữa trưa nắng trầy”. Là “nghẹn gió” hay tiếng nấc của đứa con khi nhận mẹ: “Đồng xa mót tép, mò tôm” với bao cảm thông chia sẻ: “Giỏ thì nặng, mẹ lại gầy/ Bát canh mẹ nấu cũng đầy mồ hôi”.

"Nắng trầy”, "mẹ gầy” lối gieo vần ám ảnh đã níu giữ được cảm xúc của người đọc để không bị “trượt” đi bởi nhịp điệu khá cân bằng của thể thơ lục bát. Đó như một tiếng thở dài lắng đọng nhưng không cam chịu mà luôn vượt lên để “đội mưa, cõng nắng vào đời”. Chiếc giỏ tre chứa đựng trong đó bao ấn tượng nặng sâu, đầy bao yêu thương chia sẻ từ buổi hàn vi không một chút sàng sảy rơi ra mà càng chất chứa nhiều thêm, đầy thêm, không những chỉ sản phẩm gieo trồng cấy hái hay bắt tép mò tôm mà thêm những từng trải về cuộc sống.

Nhà thơ Hữu Thỉnh thật có lý khi ông tổng kết về thơ: “Thơ chính là kinh nghiệm sống”. Ở bài thơ "Giỏ tre" của Nguyễn Văn Song, kinh nghiệm sống bắt đầu từ trải nghiệm sống: “Một đời ngấm vị bùn non/ Thời gian sương khói vẫn còn dấu quê”. Chao ôi, cái vị bùn non phù sa thấm đậm biết bao, chắt chiu biết bao. Cái vị bùn mà những cá, những tôm, những cua, ốc sống trong tiếng ì oạp hơi thở của bùn sủi tăm và bén rễ thân lúa bắt đầu từ sự bao dung, vị tha nhân hậu của đời mẹ: “Đầy vơi giỏ chẳng nói gì/ Quanh năm lấm láp cũng vì chúng con”.

Giỏ tre hay là một phần hình ảnh mẹ, cốt cách của mẹ bởi chuốt vào đó, ngấm vào đó bao nan nắng, nan mưa đan vào nhau, cài vào nhau để dẻo dai bền chặt, để sắt son thủy chung tình nghĩa, để nhà thơ: “Cúi đầu tạ chiếc giỏ tre/ Cho con đi biết nhớ về chốn xưa”.

NGUYỄN NGỌC PHÚ
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Giỏ tre" cho biết nhớ về chốn xưa