Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phải giải trình việc nhận tiền của nhà xuất bản

07/12/2019 09:03

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo giải trình việc Nhà xuất bản Giáo dục chi thù lao cho 11 lãnh đạo cơ quan này.

Động thái này được đưa ra chiều 6.12, một ngày sau khi Nhà xuất bản Giáo dục cho biết trả thù lao "hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa" cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh mỗi người 2,5 - 6 triệu đồng/tháng từ năm 2015.

11 người nhận tiền là ông Lê Hồng Sơn (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Ban chỉ đạo Biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam), ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở, Phó Ban) và các Phó chánh Văn phòng, Trưởng Phòng Giáo dục các cấp đóng vai trò ủy viên. Trong đó, ông Sơn nhận mức cao nhất 6 triệu đồng/tháng.

Đến năm 2018, Nhà xuất bản tiếp tục thành lập Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa mới tại miền Nam gồm 11 người. Trong đó, 10 người nằm trong danh sách cũ, ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học, ủy viên) được thay bằng ông Cao Minh Quý (Phó Trưởng Phòng Giáo dục trung học).

Lần này, Nhà xuất bản bổ sung nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người là chuyên viên các cấp học, môn học cùng ông Trần Lê Quang, Kế toán trưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi người trong nhóm tư vấn hỗ trợ nhận thù lao 2,5 triệu đồng/tháng.

Bộ sách Chân trời sáng tạo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được ra mắt hồi cuối tháng 10. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại.

Bộ sách "Chân trời sáng tạo" của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được ra mắt hồi cuối tháng 10. Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại

Trả lời báo chí ngày 6.12, ông Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh) cho biết Nhà xuất bản Giáo dục chi thù lao hỗ trợ công tác chuyên môn, tổ chức đội ngũ tác giả, chuyên gia tư vấn... trong quá trình biên soạn bộ sách giáo khoa. Đây không phải là thù lao để làm công tác phát hành sách. Năm bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đều bình đẳng trong quá trình lựa chọn ở các trường tiểu học của TP Hồ Chí Minh.

Trước đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết không tiếp nhận hồ sơ thẩm định sách giáo khoa nào do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đứng tên. Tuy nhiên, hai văn bản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại thể hiện có sự tham gia của sở này.

Năm 2015, bộ sách giáo khoa miền Nam (nay là Chân trời sáng tạo) được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cử đội ngũ chuyên viên, giáo viên cùng tham gia với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để biên soạn. Đây là một trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt hôm 21.11.

Việc chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 thực hiện theo Nghị quyết 88 của Quốc hội với thẩm quyền thuộc về cơ sở giáo dục. Từ ngày 1.7.2020, khi Luật Giáo dục có hiệu lực, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chọn sách giáo khoa cho địa phương. Điều này dấy lên lo ngại việc lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận tiền thù lao từ nhà xuất bản sẽ ảnh hưởng tới sự khách quan khi quyết định chọn sách cho địa phương.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phải giải trình việc nhận tiền của nhà xuất bản