Gian nan bảo vệ bãi sông

22/10/2017 06:00

<b>Những năm qua, việc bảo vệ những bãi sông màu mỡ trước sự nhòm ngó của "cát tặc" luôn là cuộc chiến gian nan, vất vả của các địa phương.</b><br>


Nhiều phần đất bãi màu mỡ của thôn An Phú, xã Đức Chính (Cẩm Giàng) bị sạt lở do “cát tặc”

Xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) có trên 100 ha bãi sông nằm sát với vùng bãi của xã Trường Thành (Thanh Hà). Từ bao đời nay, được phù sa sông Hồng, sông Mía bồi đắp, bãi sông màu mỡ trở thành nguồn sống của hàng trăm hộ dân trong xã. Cũng chính vì sự màu mỡ này, bãi sông đã trở thành mục tiêu của "cát tặc".

Ông Nguyễn Thế Đậu, Chủ tịch UBND xã Tứ Xuyên cho biết khai thác cát trái phép (KTCTP) trở thành vấn nạn nhức nhối của chính quyền và người dân địa phương. Mặc dù UBND xã thường xuyên bố trí lực lượng tuần tra, canh gác nhưng tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. "Cát tặc" ngày càng liều lĩnh, manh động, thường xuyên đe dọa khiến người dân rất lo sợ, không dám cung cấp thông tin cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

"Cách đây gần 1 tháng, sau khi phát hiện một tàu đang KTCTP, lực lượng chức năng của xã bí mật tiếp cận, trèo lên tàu để khống chế các đối tượng vi phạm. Khi bị phát hiện, các đối tượng liều lĩnh điều khiển phương tiện bỏ chạy và gọi điện cho người đến trợ giúp", ông Đậu lấy ví dụ.

Ông Đậu cho biết thêm trong quá trình bỏ chạy, tàu cát đã va chạm với một tàu hàng chạy ngược chiều khiến tàu hàng bị hư hỏng phần đầu. Thấy các đối tượng liều lĩnh, manh động và so sánh lực lượng quá chênh lệch, cán bộ xã Tứ Xuyên buộc phải rời khỏi tàu để bảo đảm an toàn.

"Đây chỉ là một phần của những khó khăn, vất vả trong công tác phòng chống KTCTP ở địa phương. Mặc dù lực lượng liên ngành của huyện hoạt động tích cực nhưng cát tặc vẫn rình rập, lợi dụng sơ hở để hút trộm. Nếu không có biện pháp mạnh, diện tích đất bãi của xã sẽ biến mất, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của hàng trăm hộ dân", ông Đậu bức xúc.

Tại xã Đức Chính (Cẩm Giàng), tình trạng KTCTP trên sông Thái Bình đoạn qua địa bàn xã cũng diễn biến rất phức tạp. Mặc dù UBND xã đã cho xây chòi canh 2 tầng, dựng 2 lán nhỏ ngay sát mép sông, cắt cử lực lượng túc trực hàng đêm nhưng việc bắt giữ, xử lý "cát tặc" vẫn rất khó khăn.


Lều canh gác được dựng sát bãi sông nhưng vẫn không ngăn chặn được các đối tượng khai thác cát trái phép

Theo ông Phùng Văn Học, Trưởng thôn An Phú (xã Đức Chính), do xã chỉ có thẩm quyền ở phía nửa sông bám địa phận xã nên khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng, các tàu cát nhanh chóng di chuyển sang địa phận do địa phương khác quản lý. Càng ngày "cát tặc" càng manh động, coi thường pháp luật. Khi bị xua đuổi, các đối tượng trên tàu còn lỳ lợm, dùng đèn pha soi lên bờ như tháchthứcngười dân.

“Càng ngày, chúng càng giở nhiều thủ đoạn tinh vi để khai thác trộm cát. Chúng còn nhắn tin đe dọa tính mạng người làm nhiệm vụ và người dân có đất. Đối với người dân, việc giữ đất thực sự gian nan, vất vả. Mặc dù chính quyền địa phương đã làm hết sức mình nhưng lực bất tòng tâm. Nhìn đất bãi màu mỡ hàng ngày hàng giờ trôi xuống sông mà xót", ông Học tâm sự.

Tại xã Thanh Hải (Thanh Hà), nhiều phần đất bãi cũng dần biến mất bởi "cát tặc". Diện tích đất bãi của xã rộng khoảng 120 ha nằm hoàn toàn cách biệt với khu dân cư. Muốn sang bãi, người dân phải dùng thuyền qua sông. Để bảo vệ diện tích đất bãi,xã đã đầu tư kinh phí dựng lán, bố trí xuồng, cắt cử lực lượng ứng trực thường xuyên nhưng do bãi sông nằm cách biệt nên việc phát hiện, bắt giữ các đối tượng KTCTP không hề dễ dàng.

Mỗi khi phát hiện các đối tượng KTCTP, lực lượng của xã phải cơ động qua khúc sông rộng gần 1 km. Có khi vừa sang đến nơi, "cát tặc"đã di chuyển sang khu vực bãi sông giáp với địa phương khác. Trong mùa mưa lũ, việc điều khiển xuồng trên sông cũng không dễ dàng do thường xuyên va vào gỗ, thân chuối trôi nổi trên sông.

Ông Nguyễn Văn Ngát, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: "Mỗi tháng, xã chi từ 14 - 15 triệu đồng để bồi dưỡng cho các cán bộ trực, mua dầu máy, trả công trông xuồng... Nhưng do thu nhập thấp, công việc lại khó khăn, vất vả thậm chí nguy hiểm nên một số công an viên có ý định nghỉ việc. Tinh thần không còn hăng hái đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phòng chống cát tặc của địa phương".

Những năm qua, “cát tặc” hoành hành trên nhiều bãi sông khiến người dân có đất từng ngày, từng giờ quay cuồng trong cuộc chiến giữ đất. Điều này đòi hỏi chính quyền các địa phương cầnnâng cao tinh thần trách nhiệm, triển khai những biện pháp thực sự hiệu quả để người dân không còn “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến không cân sức này.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gian nan bảo vệ bãi sông