Hôm qua, anh bạn là chủ một doanh nghiệp hằng ngày chuyên đi làm bằng xe Mercedes nói với tôi: “Xăng tăng kinh quá ông ạ".
Dạo này tôi không dám đi làm bằng xe "Mẹc" nữa vì mỗi tuần loanh quanh cũng mất triệu rưỡi tiền xăng”. Còn một ông anh tôi là thợ xây đi làm cách nhà hơn chục cây số cũng than: “Trước kia đi làm mỗi ngày chỉ hơn chục nghìn tiền xăng thì nay đã hết hai mấy nghìn rồi. Khổ lắm cậu à!”…
Đó là những câu chuyện hằng ngày của người dân mà chúng ta dễ dàng nghe được vào thời điểm này khi giá xăng liên tục tăng, thiết lập đỉnh mới. Còn trên báo, đài liên tục đưa tin nhiều ngư dân không dám ra khơi vì giá xăng dầu quá cao, nhiều doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản do giá xăng dầu liên tục lập đỉnh… Có thể nói giá xăng đang khiến người dân hết sức lo lắng vì nó tác động đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, từ người giàu đến người nghèo.
Xăng dầu là mặt hàng vô cùng quan trọng, có tác động lớn đối với nền kinh tế. Việc giá xăng dầu tăng cao làm cho tình hình lạm phát leo thang, đời sống người dân, nhất là người lao động có thu nhập trung bình và thấp hết sức khó khăn. Giá xăng tăng làm cho giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng theo. Đặc biệt trong suốt 2 năm qua, đời sống người dân, "sức khỏe" doanh nghiệp đã và đang "ốm yếu" do tác động của đại dịch Covid-19. Toàn xã hội như một cơ thể đang từng bước phục hồi khi đại dịch dần được kiểm soát thì cơn "bão” giá xăng ập xuống làm cho tất cả lại phải gồng mình lên chống đỡ. Và nếu giá xăng vẫn tiếp tục tăng thì không biết cuộc sống của người dân sẽ còn khó khăn ra sao? Sẽ có thêm bao nhiêu doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phá sản? Cả đất nước có thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát đã đề ra từ đầu năm hay không?
Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, hiện các loại thuế như VAT, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, nhập khẩu chiếm hơn 30% giá thành xăng dầu trong nước. Vì vậy chỉ cần giảm 2 loại thuế, thì giá mỗi lít xăng dầu đã có thể giảm, còn cắt hết các loại thuế thì mỗi lít xăng dầu có thể giảm được hơn 10.000 đồng. Hiện nay, để tránh lạm phát, giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan… đã chấp nhận giảm nguồn thu ngân sách từ thuế xăng dầu. Còn ở nước ta, đến thời điểm này mới chỉ giảm thuế bảo vệ môi trường. Ngày 30.6, Bộ Tài chính cho biết đã trình Thủ tướng Chính phủ phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong suốt nhiều tháng qua, các chuyên gia kinh tế, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều phản ánh đề nghị Nhà nước, Quốc hội sớm cắt giảm một số loại thuế đối với xăng dầu. Bởi hầu hết đều cho rằng, cắt giảm thuế xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần kiềm chế lạm phát. Còn Nhà nước trước mắt sẽ giảm nguồn thu ngân sách do cắt giảm thuế xăng dầu, nhưng về lâu dài đó chính là nuôi dưỡng nguồn thu. Bởi doanh nghiệp có khỏe, người dân bớt khó khăn thì mới thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, từ đó mới tạo ra nguồn thu bền vững. Hy vọng với động thái mới này của Bộ Tài chính, người dân và doanh nghiệp sớm được đón nhận tin vui.
VŨ ÚY