Với nỗ lực của bản thân, anh Phương đã trở thành gương điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp khi bước đầu giải quyết thành công bài toán “ly nông bất ly hương”.
Công ty TNHH May Thành An-HD của anh Nguyễn Huy Phương ở xã Tân Hưng (TP Hải Dương) đang tạo việc làm cho hơn 100 lao động nữ với thu nhập mỗi người từ 5,5 - 7 triệu đồng/tháng
“Dễ tìm lắm, cứ đi thêm khoảng 300m nữa, khi nào thấy cái xưởng bên cạnh đường, tiếng máy may kêu rào rào thì đó chính là xưởng của Phương. Dân xã này toàn gọi cậu ấy là giám đốc của làng vì xưởng may ấy đã tạo nhiều việc cho các chị em trong xã”, đó là lời chỉ đường của một cụ bà chừng 80 tuổi trên đường chúng tôi tìm về xưởng may của anh Nguyễn Huy Phương ở thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng (TP Hải Dương). Đến nơi, đúng như lời bà cụ bảo, khu xưởng sản xuất khang trang rộng vài trăm mét vuông, bên trong hơn trăm nữ công nhân trẻ đang hăng say làm việc bên những chiếc máy may.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Phương từng phải bỏ dở việc học, lặn lội vào miền Nam làm công nhân may. Vốn thích nghề may, lại cần mẫn và khéo tay, anh nhanh chóng trở thành thợ giỏi. Năm 2003, anh trở về quê hương và xin vào làm công nhân may tại Công ty May xuất khẩu và thương mại Vĩnh Thịnh-TNHH (phường Quang Trung, TP Hải Dương). Khi đã có kinh nghiệm, anh Phương được Công ty CP May II Hải Dương và Công ty TNHH Shints BVT (cùng ở TP Hải Dương) tuyển làm kỹ thuật viên và phụ trách các khâu sản xuất quan trọng, kiêm hướng dẫn và dạy nghề cho công nhân trẻ mới vào làm. Trong quá trình làm việc, anh nhận thấy có nhiều nữ thanh niên ở làng và các vùng lân cận lên xin việc. Trong khi nhà họ cách chỗ làm khá xa, đa số lại có con nhỏ nên đi lại vất vả. Trăn trở trước thực trạng này, anh nảy ra ý tưởng cần đưa nghề may về làng.
Tháng 3.2018, anh Phương quyết định về quê thành lập Công ty TNHH May Thành An-HD. Thấy con có chí lại quyết tâm, bố mẹ anh đã đồng ý giúp vay vốn ngân hàng và họ hàng. Thời gian đầu, xưởng nhỏ, máy ít, khách hàng còn dè dặt chưa đặt nhiều hàng. "Có hôm mưa bão, đường lầy lội, một mình xe máy chở hàng đi, về rất vất vả. Có ngày cao điểm, đang làm việc thì mất điện. Công nhân chưa quen tác phong lao động công nghiệp, đang làm việc lại chạy về cho con ăn, cho con bú...", anh Phương chia sẻ về những khó khăn ban đầu. Với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, anh vào trung tâm TP Hải Dương tìm những mối hàng may bán chợ để duy trì việc làm cho công nhân. Nhiều hôm anh cùng công nhân làm việc đến 4 -5 giờ sáng, rồi lại chở ngay quần áo đi giao cho đầu mối đúng hạn. 5 tháng gần đây, chất lượng các sản phẩm may của xưởng ngày càng nâng cao, các đơn hàng đến nhiều hơn, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Từ chỗ chỉ có 25 máy, hiện xưởng có gần 100 máy may, tạo việc làm cho hơn 100 lao động nữ, tất cả đều là thanh niên, hội viên phụ nữ ở xã Tân Hưng và một số địa phương lân cận với thu nhập từ 5,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Tân Hưng, công nhân tại đây cho biết: “Nhiều năm trước, tôi cũng đi Hà Nội, Hải Phòng và vào các khu công nghiệp lớn để làm may với mức lương từ 3-4,5 triệu đồng/tháng nhưng trừ chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại về quê là hết. Từ khi về làm tại công ty của anh Phương vừa có lương cao, lại được gần nhà nên rất yên tâm làm việc. Có những công đoạn tôi có thể xử lý sản phẩm tại nhà, đến cuối ngày hai vợ chồng chở sản phẩm hoàn thiện giao nộp cho công ty nên vẫn tranh thủ làm ruộng được". Chị Vương Thị Minh ở cùng xã Tân Hưng cũng cho biết từ khi có xưởng may của anh Phương, đã có nhiều chị em quay về đây làm việc và không ai muốn đi nữa.
Trước đây, xã Tân Hưng đã tìm nhiều biện pháp tạo việc làm cho con em nông dân trên địa bàn nhưng chưa thu hút được lực lượng thanh niên vì họ so sánh thu nhập nên có tâm lý nhấp nhổm bỏ ra thành phố. Từ khi có Công ty TNHH May Thành An-HD, nhiều nữ thanh niên đã yên tâm ở lại quê nhà. Ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng đánh giá: “Không chỉ là người đi đầu đưa công nghiệp may mặc về xã, giúp nhiều lao động ở nông thôn có việc làm, anh Phương còn luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Hiện công ty đang xem xét đề nghị thành lập tổ chức công đoàn cơ sở”.
Công ty của anh Phương đã góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tân Hưng, một xã đang thực hiện lộ trình nâng cấp trở thành phường. Với nỗ lực của bản thân, anh Phương đã trở thành gương điển hình trong phong trào thanh niên lập nghiệp khi bước đầu giải quyết thành công bài toán “ly nông bất ly hương”.
BÙI THU HẰNG