Giảm ban chỉ đạo, tại sao không?

21/04/2018 08:00

Mới đây, Văn phòng Tỉnh ủy đã rà soát việc thành lập và hoạt động của các ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh.

Tính đến thời điểm 31.3, toàn tỉnh có 76 BCĐ, gồm 13 BCĐ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và 63 BCĐ do UBND tỉnh thành lập. Đó là chưa kể các BCĐ được thành lập theo sự vụ, tồn tại trong một thời gian ngắn không được thống kê.

Xét về thành phần, người nhiều nhất làm trưởng ban của 31  BCĐ. Về thời gian, BCĐ hoạt động lâu nhất là 15 năm. Có 42 BCĐ không có kinh phí hoạt động và 34 BCĐ có kinh phí hoạt động thường xuyên. 

BCĐ quá nhiều, không ít cán bộ không nhớ hết mình là thành viên của bao nhiêu BCĐ. Cái sự “nhớ - quên” ấy cũng chứng tỏ một thực tế là không phải BCĐ nào cũng hoạt động hiệu quả. Thông thường các BCĐ được thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ do Trung ương, Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh giao. Mỗi BCĐ có một cơ quan thường trực là nơi kết nối các thành viên cùng thực hiện nhiệm vụ chung, đồng thời cũng là cơ quan tham mưu phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên. Hầu hết các BCĐ đều xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động và hoạt động theo quy chế đã ban hành. Có nhiều BCĐ được thành lập theo năm và tự giải thể khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Cũng có BCĐ sau một thời gian hoạt động được thay thế bởi một BCĐ có tên gọi khác theo chỉ đạo của Trung ương. 

Nhìn chung, việc thành lập các BCĐ là cần thiết, có tác dụng nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan liên quan khi cùng thực hiện một nhiệm vụ chung do Trung ương hoặc tỉnh giao. Nhưng thực tế cũng có nhiều BCĐ chỉ mang tính hình thức, hoạt động không hiệu quả. Có BCĐ sau một thời gian thành lập, có thành viên đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác nhưng nhân sự vẫn không được kiện toàn. Có BCĐ không xây dựng quy chế hoạt động, hoạt động thiếu tích cực, chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, thậm chí không hoạt động. 

Mặc dù theo thống kê chỉ 34 BCĐ có kinh phí hoạt động thường xuyên, song việc có quá nhiều BCĐ cho thấy sự cồng kềnh, chồng chéo trong hoạt động chỉ đạo. Các BCĐ không chỉ được thành lập ở cấp tỉnh mà còn được thành lập ở cấp huyện, cấp xã. Nếu tính tổng số tất cả các BCĐ từ xã đến tỉnh thì con số cũng lên tới hàng nghìn. Mỗi BCĐ ít nhất cũng có khoảng 10 người, có người tham gia cùng lúc hơn 10 BCĐ. Nếu các BCĐ tổ chức họp thường xuyên, thì chỉ riêng thời gian họp BCĐ đã chiếm rất nhiều thời gian làm việc. Trong khi đó, nhiều nhiệm vụ được BCĐ phân công chính là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan thành viên, không có BCĐ thì cơ quan đó vẫn phải thực hiện tốt. 

Việc rà soát, giảm bớt số lượng các BCĐ từ tỉnh đến cơ sở là việc làm cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh các nơi đang tập trung thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Giảm bớt các BCĐ hoạt động không hiệu quả  sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, giảm các cuộc hội họp và các đầu mối trung gian không cần thiết, tiết kiệm thời gian và trong chừng mực nào đó cả ngân sách nhà nước. 

Trong khi chỗ này hay chỗ kia còn đang chờ hướng dẫn để sắp xếp, thu gọn đầu mối bên trong thì giảm bớt các BCĐ là việc có thể làm ngay, vừa dễ thực hiện, vừa có tác dụng nêu gương. 

Vừa rồi báo chí đưa tin, TP Hà Nội đã kiện toàn, giảm từ 119 BCĐ cấp thành phố xuống còn 40 BCĐ. Tỉnh ta chẳng có lý do gì để chần chừ nữa.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm ban chỉ đạo, tại sao không?