“Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ: Người mang “lửa” ca trù đi muôn nơi

22/03/2019 17:07

Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ vừa qua đời hồi 12 giờ 50 ngày 22.3. Thông tin này khiến nhiều người yêu mến bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù không khỏi hụt hẫng.


Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ cùng các học trò. nh tư liệu

Nghệ nhân gạo cội

Không hụt hẫng sao được khi chỉ mới đây thôi, cụ Đẹ là một trong 62 nghệ nhân dân gian được vinh danh Nghệ nhân Nhân dân đợt 1. Đây là đợt phong tặng Nghệ nhân Nhân dân đầu tiên cho các cá nhân có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Cụ Đẹ mệt hơn một tuần nay. Theo lời chị Trang, con gái cụ Đẹ thì vài ngày nay thời tiết trái gió trở trời nên cụ mệt, chứ trước đó cụ vẫn đem đàn ra gảy, nghe học trò đánh đàn sai, cụ còn bảo “Sai rồi”. Vậy mà hôm nay, người được mệnh danh là “Đệ nhất danh cầm” ca trù đã ra đi mãi mãi.

Cụ Đẹ đi rồi nhưng những ai đã tiếp xúc với cụ, đặc biệt là lớp thế hệ học trò theo học ca trù sẽ không thể quên một người thầy mực thước và tinh anh. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", nhưng độ tinh anh của cụ Nguyễn Phú Đẹ thì hiếm bậc cao lão nào có được. Chẳng thế mà ngoài 90 tuổi, cụ Đẹ còn có biết bao lớp học trò xin theo học đàn bài bản với mong muốn phục dựng bộ môn nghệ thuật truyền thống ca trù. Chỉ đến đầu năm 2016, sau một trận tai biến, sức khỏe yếu đi nhiều, cụ Đẹ mới thôi “mở lớp”, nhưng không phải vì thế cụ thôi đau đáu nỗi niềm truyền nghề. 

Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ sinh năm 1923 trong một gia đình có truyền thống đàn hát. Cha của cụ là một tay đàn có tiếng, còn mẹ là một ca nương. Theo gia phả ghi chép lại thì cụ là đời thứ sáu trong gia đình nối nghiệp ca trù. Cùng với anh trai của mình là Nguyễn Phú Đọ, cụ Đẹ đã được truyền dạy ngón đàn đáy dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông nội Nguyễn Phú Tằng và cha Nguyễn Phú Quỳnh. Từ thuở lên 5, lên 7, cái tuổi ăn, tuổi chơi thì hai anh em cụ Đẹ đã xách mũ theo sau cha, mẹ đi khắp nơi biểu diễn, mưu sinh bằng cầm ca. Sau mỗi chuyến đi dài ngày đến Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam… thì anh em cụ lại trở về quê nhà để ông nội dạy cho những ngón đàn, điệu hát mới. Đến năm 12 tuổi, cụ Đẹ đã biết cách biểu diễn bài bản để tự mưu sinh. Đã có lần cụ Đẹ thừa nhận từ lúc còn rất nhỏ, cụ đã bị mê hoặc bởi những lối hát: Cửa đình, hát Cô đầu, Tỳ bà hành, Hồng hồng tuyết tuyết... Thành thử, trong cuộc đời có những lúc gián đoạn không thể tiếp tục theo nghề thì sau cùng cụ vẫn tìm về với cây đàn đáy, với ca trù.

Giới chuyên môn và công chúng yêu ca trù coi cụ là “Đệ nhất danh cầm”. Bởi các ngón nhấn, chùn, rung, vấy, chụp... của đàn đáy, cụ Đẹ đạt đến độ tuyệt kỹ. Hiện nay, cụ vẫn là người duy nhất có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù “Cửa đình” - một lối hát được tổ chức vào những dịp lễ hội kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của các vị thành hoàng làng.

Đau đáu việc truyền nghề

Trọn cuộc đời gắn chặt với tiếng tom, tiếng chát... thì tâm nguyện lớn nhất của cụ vẫn là lưu lại được tiếng đàn cho đời và truyền lại được cái “lửa” của ca trù cho thế hệ sau. Trước đây, đã có lần cụ Đẹ chia sẻ, để tìm được những lứa học trò tâm huyết với nghề thật khó. Khó là bởi ca trù đòi hỏi sự miệt mài, lòng say mê và đặc biệt là năng khiếu đàn hát. Học ca trù phải học rất lâu, thậm chí phải học cả đời, như bản thân cụ dù gần 50 năm không được “hành nghề” nhưng cụ vẫn phải luyện đều. Cụ luôn răn mình rằng còn sống ngày nào còn phải cầm cây đàn ngày ấy, phải luyện làm sao cho tiếng đàn tròn vành, rõ tiếng... mới là được. Chẳng thế mà, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Trọng Hiền đã mất hơn 2 năm bỏ công, bỏ việc chỉ chuyên tâm theo học cụ Đẹ để có cái nhìn rõ hơn về ca trù, bởi anh hiểu thời gian không còn nhiều.

Đến nay có thể thấy, trong các nghệ nhân gạo cội, thì cụ Đẹ là một trong số ít những người hoàn thành sứ mệnh của một người truyền nghề. Những lứa học trò của cụ Đẹ, bên cạnh những cái tên nổi danh như: Nguyễn Đình Hoằng, Phạm Thị Huệ… thì còn rất nhiều tên tuổi đang tiếp tục truyền lửa ở các câu lạc bộ ca trù trên cả nước. 

Còn trên quê hương Hải Dương, ngay từ rất sớm, cụ đã có ý tưởng truyền nghề cho lớp trẻ. Thành thử từ Câu lạc bộ (CLB) Ca trù xã Dân Chủ, nhiều câu lạc bộ khác được thành lập, nhận được sự ủng hộ của các cấp chính quyền. Khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp năm 2009, tỉnh Hải Dương đã có nhiều chương trình hành động bảo tồn di sản ca trù. Đến nay, cả tỉnh đã có gần 90 người, ở đủ độ tuổi đang tham gia sinh hoạt ca trù tại 6 CLB ở xã Dân Chủ, các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Bình Giang và Trung tâm Văn hóa tỉnh. Năm 2018, tham dự Liên hoan ca trù toàn quốc, đoàn Hải Dương cũng đạt nhiều thành tích cao, với 2 giải A cho cá nhân xuất sắc và giải B toàn đoàn. 

Tiếp nối truyền thống của gia đình, chị Nguyễn Thị Chiêm - cháu ngoại cụ Nguyễn Phú Đẹ - đang sinh hoạt tại CLB Ca trù xã Dân Chủ. Hằng tuần, chị vẫn lên lớp dạy cho các cháu nhỏ ở thôn Cao La những làn điệu ca trù và được lớp trẻ hưởng ứng. Với những tín hiệu vui này, chắc hẳn cụ cũng đã yên lòng. Và với những gì Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ để lại, chúng ta có quyền hy vọng vào thế hệ trẻ kế cận!

HUYỀN ANH

Năm 2005 cụ Nguyễn Phú Đẹ nhận huy chương vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc. Năm 2006, cụ được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Từ năm 2010 đến nay, cụ liên tiếp nhận giải thưởng Đào Tấn cùng nhiều giải thưởng khác. Tháng 3.2019, cụ Nguyễn Phú Đẹ được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân đợt 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ: Người mang “lửa” ca trù đi muôn nơi