Việc di dời hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực nội thành Hải Dương là việc cần thiết, góp phần giải quyết bức xúc của dư luận về tình trạng 'chuồng lợn cạnh nhà'.
Vụ việc gia đình ông Vũ Văn Đông ở khu Ninh Chấp 5, phường Thái Học (Chí Linh, Hải Dương) xây dựng chuồng lợn rộng hơn 100 m2 có ống thoát mùi cao hơn 20m nằm ngay phía trước nhà một người hàng xóm đã gây bức xúc với người dân khu vực này. Bể chứa nước thải của chuồng lợn nhà ông Đông cũng được xây dựng lộ thiên, rộng khoảng 20m2 nằm cách nhà văn hóa khu dân cư Ninh Chấp 5 chỉ hơn 40m.
Việc chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư không phải là chuyện hiếm ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Hải Dương.
Thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa, vẫn có nhiều khu dân cư tại các phường, thị trấn còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp, người dân vẫn còn tập quán chăn nuôi để tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, tăng gia sản xuất và cải thiện đời sống kinh tế. Tuy nhiên, chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư dễ dẫn đến ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất đai do chất thải từ gia súc, gia cầm.
Mùi hôi từ hoạt động chăn nuôi cũng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân. Hơn nữa, chăn nuôi trong khu dân cư thiếu kiểm soát có thể gây ra các bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Trong những năm qua, sản xuất chăn nuôi của tỉnh Hải Dương khá phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, những hạn chế nêu trên cũng là hạn chế của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Nội dung quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đã lần đầu tiên được luật hóa tại Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020), phân cấp, giao thẩm quyền cho HĐND tỉnh, thành phố quy định cụ thể.
Ngày 14/11, tại Kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Hải Dương đã thông qua Nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Việc xác định khu vực không được phép chăn nuôi thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn là rất cần thiết, phù hợp với sự phát triển đô thị.
Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 30/10/2024, toàn tỉnh chỉ có 510 trong tổng số gần 237.000 hộ chăn nuôi tại khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi đề xuất trong dự thảo nghị quyết, chiếm 0,21%. Trong đó có 469 hộ (chiếm 91,96%) chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ; 40 hộ (chiếm 7,84%) chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và 1 hộ (chiếm 0,2%) chăn nuôi trang trại quy mô vừa.
Mặt khác, tổng số gia súc, gia cầm tại khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi khoảng 48.000 con, chỉ chiếm 0,27% tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh. Vì vậy nghị quyết được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Tuy nhiên, nghị quyết cũng sẽ ảnh hưởng đến đời sống của các hộ có hoạt động chăn nuôi thuộc khu vực chịu tác động, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo với nguồn thu nhập chủ yếu từ chăn nuôi. Tin vui là theo rà soát của các huyện, thị xã, thành phố và tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 510 hộ chăn nuôi có 1 hộ có nhu cầu di dời đến địa điểm mới, các hộ còn lại, khi nghị quyết được ban hành, sẽ chấp hành quy định và ngừng hoạt động chăn nuôi trong khu vực đề xuất không được phép chăn nuôi.
Trở lại với câu chuyện hộ ông Đông ở phường Thái Học kể trên, chiều 13/11, theo lãnh đạo phường này, trong đợt rà soát trước đó của ngành nông nghiệp thì chưa có tên hộ này thuộc diện di dời. Hộ này mới nuôi lợn gần đây.
Thời gian tới, việc rà soát những hộ chăn nuôi trong khu vực không được phép cần tiến hành thường xuyên và thực hiện nghiêm từ cơ sở.
NGUYÊN THẢO