Nơi đây, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, trong số 644 ngôi mộ, chỉ 4 ngôi mộ có tên...
Có nơi nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Việt Nam? Và trên mảnh đất Việt Nam này, có nơi nào nhiều nghĩa trang liệt sĩ như ở Điện Biên? Những A1, Độc Lập, Him Lam, Tông Khao, Bản Kéo... đã trở thành những ngôi nhà vĩnh hằng, ấm áp của hàng nghìn bộ đội, dân công hỏa tuyến... đã dừng chân lại mảnh đất biên cương đầy nắng gió này từ 70 năm về trước.
Chỉ giữ lại cho mình tên - họ
Tôi đã đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, đứng lặng trước hàng mộ ngút ngàn, để được tri ân, hình dung về hình ảnh những người lính trẻ măng xốc lưỡi lê sáng quắc xông lên phía trước. Họ đã ngã xuống rồi mỉm cười chìm vào một giấc ngủ thảnh thơi, cho chồi non, lộc biếc của mùa xuân mọc lên từ vỏ đất ám đầy mùi khói súng.
Nhưng chỉ ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 mới thấy một điều đặc biệt. Đặc biệt đến quặn thắt đáy lòng. Trong số 644 ngôi mộ ấy, chỉ 4 ngôi mộ có tên: Anh hùng Tô Vĩnh Diện, quê quán Nông Cống, Thanh Hóa, hy sinh ngày 1/2/1954; Anh hùng Bế Văn Đàn, huyện Phục Hòa, Cao Bằng, Tiểu đội trưởng, Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, hy sinh ngày 12/12/1953; Anh hùng Trần Can, quê quán Yên Thành, Nghệ An, hy sinh ngày 7/5/1954; Anh hùng Phan Đình Giót, quê quán Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, hy sinh ngày 13/3/1954.
Còn lại, 640 mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tất cả cho non sông đất nước, hiến dâng cả tuổi thanh xuân và tương lai phía trước. Duy chỉ có họ - tên - quê hương bản quán là họ giữ lại riêng mình.
Chỉ sau 4 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, khi đất nước còn bề bộn khó khăn, những vết thương chiến tranh còn chằng chịt, thì đồng bào, chiến sĩ ta đã lập lên nghĩa trang A1, ngay tại chiến trường vừa vắng tiếng bom. Riêng điều này đã cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào, tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là trách nhiệm, mệnh lệnh của trái tim. Dù câu chuyện "Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão..." đã đi qua 70 năm, để thay bằng "Kháng chiến ba nghìn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực...", song sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ chưa bao giờ và mãi mãi không bao giờ được phép lãng quên.
Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 rộng 3,2 ha nằm dưới chân đồi A1, được xây dựng năm 1958. Sau 2 lần tu sửa, ngày nay nơi đây đã trở thành biểu tượng của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, thể hiện ý chí, sức mạnh Việt Nam và đã là chốn đi về của đồng bào ta mỗi lần đặt chân đến mảnh đất Điện Biên nắng rát.
Những "tấm bia hai mặt"
- Bằng cách nào gia đình biết đây là mộ của ông?
- Chắc chắn. Gia đình đã đến đây nhiều lần. Chắc chắn đây là mộ của ông!
Tôi hỏi và được người cháu ngoại của liệt sĩ Nguyễn Văn Tỵ trả lời chắc nịch. Anh và gia đình có niềm tin mãnh liệt rằng, người nằm dưới cỏ là ông ngoại mình - liệt sĩ Nguyễn Văn Tỵ ở Kỳ Châu, Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Tôi bái vọng và rời đi mà không hỏi gì thêm nữa, bởi rất khó lý giải khi trong 640 ngôi mộ vô danh, có rất nhiều ngôi mộ cũng mang những "tấm bia hai mặt", phía trước là "Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin", còn phía sau lại có tên, có tuổi: Liệt sĩ Nguyễn Văn Chuật, Nhân Quyền, Bình Giang, Hải Dương; Nguyễn Văn Chư, Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương; Nguyễn Văn Báu, Hải Dương; Nguyễn Đình Bão, hy sinh 15/4/1954, thôn Đồng Mỹ, xã Lý Thường Kiệt, Yên Mỹ, Hưng Yên... Và còn nhiều nữa những "tấm bia hai mặt" mang tên các liệt sĩ từ Trị Thiên trở ra phía Bắc.
- Các gia đình bằng một cách nào đó xác định một trong 640 ngôi mộ vô danh là người thân của họ. Có thể họ "tìm ra" người thân bằng tâm linh, ngoại cảm - một người quản trang trả lời khi nghe tôi hỏi.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, còn hàng nghìn gia đình nữa vẫn chờ đợi người thân của mình, dù chỉ là vỏn vẹn một dòng tin. Đã 70 năm, bằng cả một đời người, mọi dữ liệu, thông tin dần mờ nhạt, song với niềm tin mãnh liệt, các gia đình tin rằng họ sẽ tìm được người thân, dù chỉ còn một nắm đất dưới thảm cỏ xanh nơi miền biên viễn. Ấy là đạo lý của người Việt Nam, là mối gắn bó máu thịt của người Việt, không thể tách rời. Câu chuyện về những "tấm bia hai mặt" có lẽ cũng xuất phát từ điều ấy!
Và còn một lý do nữa khiến nhiều gia đình tin rằng người thân của họ đang ở đây, vẫn hằng ngày căng mắt lên những rặng núi mờ xa để bảo vệ biên cương Tổ quốc. Ấy là sau giải phóng Điện Biên, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chọn những thung lũng đẹp nhất làm nơi chôn cất các liệt sĩ, có biển ghi tên từng người với tất cả niềm trân trọng và thương mến. Không ai lường được rằng, những cơn lũ dữ kéo qua thung lũng, chỉ vài tháng sau quay lại thì các nghĩa trang đã tan hoang... Tất cả các bia mộ đã không còn nên các chiến sĩ Điện Biên dù bất tử, song bây giờ đã hóa vô danh.
Đối diện cổng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 là Đài tưởng niệm hình chữ A. Trên đỉnh là ngôi sao lớn và 644 ngôi sao nhỏ. Hai bên Đài tưởng niệm là 2 cây đại cổ thụ bung sắc trắng và tỏa hương ngào ngạt. Cạnh đó là 2 cụm tượng người phụ nữ dân tộc Thái, Kinh và em bé đang nâng dải lụa, cùng 2 chiến sĩ mặc áo trấn thủ đang kề vai trong thế tiến công.
Những ngày này, có giọng đọc vẫn vang lên trầm ấm ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1: "... máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi công sự, chiến hào, nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thêm những mảnh đất quê hương. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã góp phần cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do... Tổ quốc ta, nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ".
Kỳ sau: Những người Hải Dương ở lại xây dựng đất này
TIẾN HUY