Quốc phòng

Giải phóng Điện Biên - để nghĩa tình nặng sâu ở lại: Bài 1- Góp xương máu làm nên lịch sử

TIẾN HUY 03/05/2024 05:15

Để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", hàng vạn người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, trong đó có những người Hải Dương đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ hôm nay 3/5, Báo Hải Dương khởi đăng loạt bài "Giải phóng Điện Biên - để nghĩa tình nặng sâu ở lại".

00:00

z5399103709365_89282358920f956c79d2e2917a36cfe1(1).jpg
Các cựu chiến binh viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1 (Điện Biên)

Những ngày này, khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên mảnh đất Điện Biên, một giọng đọc thao thiết vẫn vang lên trầm ấm: "Máu đào của các anh hùng liệt sĩ đổ xuống đã thấm đẫm từng tấc đất, ngọn cỏ nơi công sự, chiến hào, nhuộm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, làm xanh thêm những mảnh đất quê hương".

"Thanh niên làng kéo nhau lên rồi!"

z5380877745502_5fbfbc811978ed255353bdb2aadb701d(1).jpg
Bức ảnh ở chiến trường Điện Biên Phủ do ông Nguyễn Đức Nội (ngồi giữa) còn lưu giữ được

- Mày bé thế này, đi có theo kịp người ta không? Đi là chết...

- Thanh niên làng kéo nhau lên rồi, mẹ ơi! Con đi được. Chết cũng được!

Đó là câu chuyện thì thầm của mẹ con ông Nguyễn Đức Nội, trong căn buồng tối ở thôn Lãng Xuyên, xã Gia Tân (Gia Lộc) 73 năm về trước. Khi ấy, tất cả đều bí mật. Đồn bốt của quân Pháp ở khắp nơi. Hễ biết người nào theo kháng chiến, gia đình họ sẽ bị làm khó dễ. Vì thế, dù 19 gia đình ở Lãng Xuyên khi ấy tiễn biệt con đi chiến dịch không hẹn ngày về, song tuyệt nhiên ở làng không ai biết.

Năm 1952, lúc khoác tay nải từ biệt bố mẹ và anh em để lên Điện Biên Phủ, ông Nội mới 16 tuổi.

- Đó là một buổi đêm tối tăm mù mịt, 19 thanh niên Lãng Xuyên, được một bộ đội dẫn đường, lẳng lặng lên chiến dịch. Chốc chốc gặp ánh đèn từ các bốt lia đến, tất cả lại nằm rạp xuống bờ mương - ông Nội kể.

Không nhớ đi bộ bao lâu thì đến được Bắc Giang để huấn luyện, rồi lại đi bộ lên Điện Biên Phủ. Đến nơi, ông Nội được biên chế về C509, E174, F316. Đơn vị của ông làm nhiệm vụ "Trinh - công - vệ" (trinh sát, công binh, bảo vệ).

Sáng sớm 6/5/1954, khi gần 1 tấn bộc phá điểm hỏa trên đồi A1 - cứ điểm quan trọng bậc nhất, cánh cửa then chốt trực tiếp bảo vệ trung tâm chỉ huy - nơi đồn trú các cơ quan đầu não của quân Pháp, ông Nội đang ở bản Hồng Líu (nay thuộc phường Noong Bua, TP Điện Biên Phủ), ngay dưới chân đồi A1, để làm nhiệm vụ chăm sóc, chuyển tải thương binh.

z5380877982355_ea1c9923d9455a6c90a06eab31b5db9e(1).jpg
Năm nay đã 89 tuổi song ông Nguyễn Đức Nội còn rất tráng kiện và minh mẫn

Ông Nguyễn Đức Nội năm nay 89 tuổi, là thương binh hạng 4 khi công đồn Nà Sản (trận đánh công kiên then chốt trong Chiến dịch Tây Bắc, thuộc huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) ngày 1/12/1952. Kết thúc chiến dịch, ông Nội chuyển ngành, hiến cả thanh xuân cho Tây Bắc rồi nước bạn Lào trước khi về quê nhà Gia Lộc.

- Công đồn Nà Sản, có tin bay về là tôi chết rồi. Mẹ đã lập bàn thờ!

Trong suốt chiến dịch đã nhiều lần vào sinh ra tử rồi bị thương, song ông Nội vẫn tâm niệm rằng, mình còn may được về với gia đình. Những người đồng đội của ông, bây giờ không biết nằm chỗ nào ở dưới độ sâu hàng mét đất hầm hào, công sự... Năm 2013, ông Nội quay lại chiến trường.

- Điện Biên lúc ấy đã khác lắm rồi, dù hố bom, công sự vẫn còn. Nhiều anh em của tôi vẫn ở đấy. Họ không về nữa!

Ngày 23 và 24/4 vừa qua, ông Nguyễn Đức Nội là 1 trong số 15 người của Hải Dương được dự gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Hà Nội.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Gia Lộc hiện còn 51 thương binh, bệnh binh, quân nhân trực tiếp tham gia và phục vụ chiến đấu.

Bố nói "Xong chiến dịch rồi, về quê thôi"

dscf2684(1).jpg
Chiến sĩ Điện Biên Đỗ Xuân Nhã, quê Hải Dương, hiện ở TP Điện Biên Phủ dành trọn cả thanh xuân và cuộc đời cho mảnh đất Điện Biên

Ông Đỗ Xuân Nhã, sinh ngày 3/2/1932, quê ở xã Ứng Hòe (Ninh Giang), nay ở phường Thanh Trường (TP Điện Biên Phủ). Ông Nhã nhập ngũ năm 1952, xuất ngũ năm 1958, thuộc H3, E176, F316.

- Xong chiến dịch, ông ở lại đây làm nông trường, cùng mọi người xây dựng lại Điện Biên. 70 năm rồi, giờ ông không còn minh mẫn, vẫn giục con cháu "Xong chiến dịch rồi, về quê thôi". Mà ở quê thì cũng không còn ai - ông Đỗ Xuân Thọ, con trai cả, hiện là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Điện Biên (tỉnh Điện Biên) kể, khi chúng tôi đến thăm.

Ông Nhã là thương binh nặng 3/4, vẫn còn 1 viên đạn trong lá phổi. Ông đi lại khó khăn, phải có người dìu, nhưng lại rất hào hứng khi kể về những trận đánh năm xưa, dù chỉ là những câu chuyện không mạch lạc. Kết thúc chiến dịch, cũng như nhiều cựu binh khác, ông ở lại Điện Biên, trở thành công nhân nông trường. Để có một Điện Biên hôm nay, biết bao thế hệ đã bỏ máu xương, mồ hôi và nước mắt để vun trồng. Ông Nhã có 7 người con công tác ở tỉnh Điện Biên và tỉnh ngoài. Những người con của ông Nhã đều ghi nhớ, cha ông mình đã dành cả thanh xuân hiến dâng cho Tây Bắc, vì thế, những gì họ làm hôm nay, đều vì điều ấy. Điện Biên, Tây Bắc đã là một phần không thể thiếu, là quê hương thứ hai của họ.

dscf3009(1).jpg
Còn rất nhiều người quê Hải Dương nằm lại với mảnh đất Điện Biên lịch sử mà chưa xác định rõ thông tin. Trong ảnh: Dấu vết vụ nổ gần 1 tấn thuốc nổ của bộ đội ta khi công đồi A1

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hải Dương đã có hàng vạn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến dịch. Toàn tỉnh hiện còn 471 thương binh, bệnh binh, quân nhân, người cao tuổi nhất hiện đã 107 tuổi. Tỉnh Hải Dương có 402 liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch. Số liệt sĩ trên ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Có liệt sĩ đã được đưa hài cốt về quê nhà, song cũng còn rất nhiều người nằm lại rải rác trong các nghĩa trang của tỉnh Điện Biên như A1, Him Lam, Độc Lập, Tông Khao, một số ít liệt sĩ đã xác định rõ tên tuổi, còn nhiều người vẫn nằm trong các phần mộ chưa xác định được thông tin.

Kỳ sau: Chép ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1

TIẾN HUY
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải phóng Điện Biên - để nghĩa tình nặng sâu ở lại: Bài 1- Góp xương máu làm nên lịch sử