Theo chuyên gia từ HOCMAI, phụ huynh nên cho trẻ tự học kỹ năng số để bảo đảm an toàn trên không gian mạng thay vì không ngừng giám sát.
Việc sử dụng Internet của trẻ có thể tăng lên vào dịp nghỉ hè, đặc biệt là khi bùng phát Covid-19. Thông qua môi trường mạng, nếu không có sự giám sát của cha mẹ, trẻ thiếu kỹ năng số có thể sẽ sa đà vào các ứng dụng trò chơi, giải trí, tiếp cận thông tin không lành mạnh, dễ bị lạm dụng và trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.
Anh Nguyễn Đức Vinh, phụ huynh có con đang học tại một trường THCS tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết kỳ nghỉ hè năm nay của con hầu như đều ở nhà, gia đình anh cũng không thể gửi con về quê cho ông bà hoặc cho tham gia các hoạt động ngoại khóa do tình hình dịch bệnh căng thẳng. Hằng ngày, vợ chồng anh đi làm từ sáng đến gần tối, bé Nguyễn Đức Hải con anh phải tự chơi tại nhà. Việc để con một mình ở nhà khiến vợ chồng anh không yên tâm, con có thể lén truy cập mạng để chơi game hoặc tham gia mạng xã hội.
Cùng tâm lý với anh Vinh, chị Phạm Thị Lan (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng lo ngại về việc con thường hay vào mạng để đọc thông tin và giao lưu kết bạn. Con chị đang trong độ tuổi dậy thì, thích tìm tòi và khám phá, mặc dù gia đình cũng đã theo sát việc học tại nhà của con như nộp bài tập đã hoàn thành mỗi ngày, theo dõi giờ học và chơi của con qua camera, gọi điện thoại,... Tuy nhiên, chị cho rằng môi trường mạng hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập.
Trẻ tự học những kỹ năng số
Giải pháp cho vấn đề trên chính là để trẻ tự trang bị kiến thức cần thiết về kỹ năng và an toàn số khi tham gia không gian mạng. Thay vì giám sát mọi hoạt động sử dụng, phụ huynh có thể giúp con hiểu rõ hậu quả khi truy cập những ứng dụng, thông tin tiêu cực, không lành mạnh. Từ đó, cha mẹ hướng trẻ nhận thức tầm quan trọng về việc học các kỹ năng số cần thiết để tự bảo vệ mình trên không gian mạng.
Theo ông Hoàng Tùng, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, học sinh ngày nay sử dụng mạng Internet để tham gia nhiều hoạt động như học tập, giao tiếp, kết bạn, giải trí... Việc sớm trở thành công dân số và không được định hướng có thể khiến các em trở thành nạn nhân của nhiều đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân. Cùng với sự thiếu kinh nghiệm và kiến thức khi sử dụng mạng trực tuyến, các em sẽ khó phân biệt được thông tin giả mạo tràn lan trên Internet.
Theo ông Tùng, để sử dụng mạng an toàn, các em cần biết cách tự bảo vệ danh tính số, phân biệt các nguồn thông tin thật - giả, cách xử lý tình huống rủi ro, giao tiếp tích cực trong môi trường trực tuyến,... Để có những kỹ năng này, phụ huynh nên khuyến khích con học kỹ năng số và an toàn trực tuyến.
Hiện, HOCMAI phối hợp với Facebook tiếp tục triển khai chương trình trực tuyến miễn phí "Tư duy thời đại số" cho học sinh từ 13 tuổi trở lên. Phụ huynh có thể tìm hiểu và cho con tham gia chương trình trong mùa hè này.
Chương trình có các bài giảng mang tính tương tác cao, nhiều tài nguyên học tập được thiết kế sinh động. Thông qua hệ thống học tập trực tuyến (LMS), học sinh có thể thực hành với các câu hỏi trắc nghiệm trong suốt bài giảng, đặt câu hỏi bên dưới bài giảng, làm bài kiểm tra ngắn và tải tài liệu sau khi kết thúc mỗi học phần. Học sinh cũng có thể trao đổi và nhận sự trợ giúp trên nhóm Facebook cộng đồng học viên của chương trình.
Bà Phạm Thị Hương Giang, giáo viên chương trình "Tư duy thời đại số" cho biết, những nội dung kiến thức trong bài giảng được chọn lọc và xây dựng từ chính câu chuyện, video tình huống thực tế, gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, giúp học viên ghi nhớ lâu, dễ áp dụng.
Bên cạnh đó, bà Hương Giang khẳng định cùng với các kỹ năng bảo vệ danh tính số, xác thực thông tin, rèn tư duy tích cực trong giao tiếp trực tuyến cũng là một kỹ năng rất cần thiết và ý nghĩa chương trình Tư duy thời đại số 2021 mang đến cho các em. "Khi tham gia môi trường số, việc thực hành tư duy tích cực sẽ giúp cho chúng ta có được những trải nghiệm hạnh phúc, cũng như góp phần xây dựng một cộng đồng trực tuyến lành mạnh và an toàn", bà nói thêm.
Theo VnExpress