"Giải cứu" stress, trầm cảm học đường

20/02/2022 08:49

Sinh viên, học sinh đang đối diện với rất nhiều áp lực. Đó có thể là trục trặc trong gia đình, tình yêu, học tập, các mối quan hệ khác.

ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết nhà trường hiện có 2 trung tâm hỗ trợ tư vấn tâm lý miễn phí cho sinh viên (SV), đặt ở 2 cơ sở.

Không ít sinh viên có ý định tự tử

Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, do không thể hỗ trợ trực tiếp, nhà trường đã mở các đường dây tư vấn trực tuyến cho SV, không những SV của trường mà ở khắp thành phố. Theo ông Trần Nam, trong quá trình hỗ trợ tư vấn cho SV, vấn đề các em gặp nhiều nhất là stress, trầm cảm, không ít trường hợp còn có ý định tự tử. "Đối với các trường hợp này, nhà trường sẽ chuyển sang tư vấn chuyên sâu kết hợp trị liệu, vì không đơn thuần là stress bình thường" - ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng SV đang đối diện với rất nhiều áp lực, dễ bị stress. Đó có thể là trục trặc trong gia đình, tình yêu, học tập, các mối quan hệ khác. Những điều này trong giai đoạn phải học trực tuyến càng khó khăn hơn, vì các em bị mất kết nối, cả ngày ngồi trong phòng đối diện với máy tính, cộng thêm những lo lắng về dịch bệnh, điểm kém…

Sinh viên hiện nay gặp rất nhiều áp lực từ học tập, tài chính và các mối quan hệ... Ảnh: TẤN THẠNH

"Không phải chỉ trong giai đoạn dịch bệnh, việc trang bị các kỹ năng cho SV ở mọi thời điểm là điều cần thiết. Hiện nay ở các trường, các khoa đều có cố vấn học tập; bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn, hội thường xuyên tổ chức các chuyên đề, hội thảo nhằm ngăn ngừa, xử lý những khủng hoảng mà SV thường gặp phải.

Trong đợt giãn cách xã hội kéo dài nhiều tháng qua, ngoài việc tổ chức các buổi tư vấn, chia sẻ về nghề nghiệp, kỹ năng, trường còn tổ chức những chương trình văn nghệ trực tuyến, thử thách trồng cây… nhằm tạo ra nhiều hoạt động để giúp SV có nhiều tương tác, không mất kết nối với mọi người xung quanh" - ông Trần Nam thông tin thêm.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh), kể lại ở năm học trước, một học sinh (HS) xin chuyển về trường vì gặp áp lực lớn trong học tập ở một trường khác, đến nỗi em cả ngày thất thần, nghe tiếng thầy cô là sợ. "Có một thực tế, hiện nay nhiều HS mỗi ngày đến trường nhưng không vui. Đó là vì các em gặp áp lực từ nhà trường, giáo viên (GV), áp lực học hành và cả cách hành xử của bạn bè với nhau. Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, HS phải học online càng làm cho trẻ trở nên dễ stress, trầm cảm" - ông Phú nói.

Nhận diện được nguyên nhân

Tiến sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý tại Nhà Văn hóa phụ nữ TP Hồ Chí Minh - cho biết hiện nay có thực trạng là rất ít người quan tâm đến vấn đề sức khỏe tâm thần. "Nhà trường và phụ huynh thậm chí chỉ quan tâm kết quả học tập, nhắc nhở con mình về điểm số…không quan tâm vấn đề tâm lý, điều này làm gia tăng nguy cơ trầm cảm ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người trẻ. Bệnh trầm cảm đã ở mức báo động đỏ" - bà Thúy nhấn mạnh.

Chuyên gia Phạm Thị Thúy kể lại một SV đang học năm thứ 3 ở một trường đại học bị trầm cảm nặng đang phải trị liệu tâm lý và y khoa, đã được chẩn đoán rối loạn lo âu, rối loạn hành vi nhưng gia đình vẫn chỉ nghĩ là con mình "hỗn hào". Làm công tác tham vấn nhiều năm, bà Thúy cho rằng hiện nay, có những trường phổ thông rất quan tâm vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho HS nhưng đó chỉ là số ít. Ở đa số trường công lập, sức ép cho bản thân cả thầy và trò khá lớn, không phải ai cũng quan tâm đến người khác. Số GV quan tâm đến đời sống tâm lý của HS cũng rất ít, HS trở nên cô đơn, lạc lõng trong trường học.

Chuyên gia tâm lý này cũng cho rằng để giảm thiểu các nguy cơ gia tăng bệnh trầm cảm thì cần phải xác định bệnh này không của riêng ai. Tất cả mọi người đều có thể bị trầm cảm, nhất là những người trẻ, vì các em là những đối tượng yếu thế, chưa đủ sức để vượt qua. Để làm được điều này, cần gia tăng tình yêu thương của con người với con người và sự quan tâm lẫn nhau trong xã hội.

Theo bà Thúy, nên đặt yêu thương lên hàng đầu trong mọi mối quan hệ. Gia đình, nhà trường cần dạy trẻ yêu thương chính bản thân mình, dạy trẻ trân trọng, chăm sóc bản thân thì mới có khả năng đề phòng và xử trí trước các biến cố. Gia đình, thầy cô cần quan tâm đến các em nhiều hơn. Một ngày có thể không biết nhưng vài ba ngày các em có biểu hiện khác thường thì chỉ cần quan sát là nhận ra ngay. Lứa tuổi còn nhỏ, các em dễ bị stress, đôi khi chỉ là yêu đương không thành, với người trưởng thành là chuyện nhỏ nhưng với trẻ là chuyện lớn.

"Đừng thay đổi quá nhiều thứ trong một thời gian ngắn, vì cơ thể, tinh thần mỗi người cũng cần giai đoạn để thích nghi. Mỗi ngày phải có một niềm vui cho mình để cân bằng, thư giãn" - bà Thúy khuyên.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, nếu nhận diện được nguyên nhân của áp lực thì mới giải quyết tận gốc, để HS đến trường an tâm và vui vẻ. Ông Phú kể rằng có người thầy dạy không hay nhưng tính áp đặt rất lớn, tạo "bức tường lửa" để khiến HS sợ, thậm chí đe dọa HS. Người đi học luôn cần điểm số tốt nhưng đôi lúc có thầy cô lại dùng điều đó để tạo sức ép nặng nề lên HS, làm như thế là không nên…

Đưa môn kỹ năng vào chính khóa

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, ngày nay, cuộc sống ảo rất nhiều, trong lớp chia nhiều nhóm, không đồng quan điểm nên tạo xung đột trong nhà trường, xung đột nhiều quá thì thành bạo lực học đường, một số em trầm cảm. "Nhà trường phải thành lập trung tâm tư vấn học đường chuyên nghiệp chứ không thể "à ơi" như hiện nay, GV tư vấn đa số là kiêm nhiệm, người làm công tác tư vấn nhưng không tạo cho các em sự tin tưởng để bộc bạch, tin yêu. Nhà trường phải có đối thoại dân chủ, đối thoại toàn trường, lắng nghe tâm tư, bức xúc, phản biện học đường, chấn chỉnh những hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo. Lãnh đạo nhà trường phải thường xuyên đối thoại với HS. Đưa môn kỹ năng vào chính khóa chứ không phải ngoại khóa, không phải ai thích thì đăng ký, có như vậy mới giải phóng tâm lý cho HS được" - ông Phú đề xuất.

Giảm áp lực tài chính

Áp lực từ việc học là nguyên nhân hàng đầu gây stress ở SV. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cũng tạo ra sức ép lớn. Phần lớn SV đều sống xa gia đình và phải tự quản lý chi tiêu. Đối với những gia đình không có điều kiện, chi phí học tập và sinh hoạt tại các thành phố lớn thật sự gây khó khăn. Đó là chưa kể đến không ít SV chi tiêu không hợp lý, không biết cách cân đối, dẫn đến phải đối mặt với khoản nợ lớn.

Việc lên một kế hoạch học tập khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho SV, nhất là SV ở các trường có chương trình học nặng. Bên cạnh việc học, chi tiêu hợp lý để hạn chế những vấn đề liên quan đến tài chính như nhà trọ, tiền ăn, xăng xe, sách vở cũng rất quan trọng. Những SV chủ động về tài chính thường có cuộc sống tương đối thoải mái; không bị áp lực về tiền sẽ giúp các bạn trẻ hạn chế stress một cách tương đối. Còn khi đã bị "sốc" tâm lý, các SV nên có khoảng thời gian để nghỉ ngơi, làm những điều mình thích, học thêm nhiều kỹ năng khác.

PGS -TS PHẠM HUYỀN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Cần các mối quan hệ tin cậy

Việc chọn ngành học, trường học không như mong muốn cũng khiến SV buồn chán, không tìm được niềm vui trong học tập, thậm chí là bỏ học. Ngoài ra, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ, tình cảm cũng dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Chưa ổn định về tài chính, cũng chưa có đủ kinh nghiệm sống, gia đình lại không ở bên cạnh nên SV phải đối mặt với stress mà không có người để chia sẻ khi phát sinh mâu thuẫn.

Giải tỏa stress để giữ cho thể chất và tinh thần tốt nhất, các bạn trẻ nên có thêm những mối quan hệ tin cậy để có thể trải lòng mỗi khi có những cảm xúc tiêu cực. Việc có nhiều mối quan hệ sẽ hỗ trợ các SV rất nhiều trong học tập cũng như cuộc sống. Còn nếu khi không thể kiểm soát stress, hãy đến các phòng tư vấn tâm lý. Nhiều trường đại học hiện nay đã có các phòng tư vấn tâm lý để hỗ trợ SV vượt qua khó khăn trước khi phải đến các bệnh viện hay phòng khám.

TS VŨ TRỌNG NGHĨA, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Theo Người lao động

(0) Bình luận
"Giải cứu" stress, trầm cảm học đường