Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, để “giải cứu” những khó khăn cho người tiêu dùng, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Từ cuối năm 2019, giá thịt lợn không ngừng leo thang chóng mặt. Vào thời điểm ấy, người dân còn hiểu được do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, phải tiêu hủy hàng triệu con lợn. Do đó, giá lợn hơi dịp Tết Canh Tý ở miền Bắc đã lên rất cao.
Song trên thực tế, ngay ở tỉnh ta và nhiều vùng trong cả nước, từ giữa năm trước, người chăn nuôi lợn đã tái đàn. Đến nay, dịch tả lợn châu Phi trên cả nước đã được kiểm soát hoàn toàn.
Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và người dân đã tái đàn lợn rất nhanh, nhiều nơi có lợn tiêu thụ. Có thể thấy nguồn cung đã không còn căng thẳng như cuối thời dịch bệnh. Nhưng giá lợn hơi vẫn cao, ở mức trên 80.000 đồng/kg.
Tại hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã khuyến nghị các doanh nghiệp chăn nuôi lớn “cần kéo giá thịt lợn xuống ngay tức khắc”!
Theo ý kiến Bộ trưởng, giá lợn ở mức 75.000 đồng/kg là hợp lý “để bảo vệ vững chắc thị trường” và chỉ rõ nếu doanh nghiệp chăn nuôi nào không chịu giảm giá thì đã có luật. Bộ sẽ rà soát lại các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp chăn nuôi, từ khi sản xuất bình thường đến những quy định hỗ trợ khi có dịch bệnh, rủi ro…
Bộ trưởng nhấn mạnh, các doanh nghiệp phải biết bảo vệ thị trường, sản xuất bền vững, gặp người tiêu dùng ở một điểm, đó là văn hóa kinh doanh. Giá thịt lợn phải ở mức độ hợp lý, hài hòa. Trước đó, Bộ trưởng đã từng cảnh báo, giá thịt lợn quá cao khiến người tiêu dùng quay lưng lại vì họ còn nhiều nguồn thực phẩm khác thay thế…
Nhiều người tiêu dùng hoan nghênh những ý kiến chỉ đạo mới đây của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên thực tế, giá thịt lợn tăng đột biến và cứ giữ ở mức cao quá lâu khiến túi tiền của người tiêu dùng bị ảnh hưởng.
Quy luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Trong khâu tiêu thụ nông sản và một số mặt hàng khác, các cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc, có những mặt hàng vận động người tiêu dùng “giải cứu”, tiến tới bình ổn giá cả, phục hồi sản xuất.
Trong khi đó, từ khi có dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho đàn lợn, đẩy giá lợn lên cao, mặc dù các ngành liên quan đã có những động thái can thiệp nhưng hiệu quả vẫn hạn chế. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn và không ít người chăn nuôi, thương lái vẫn còn găm hàng, thổi giá nhằm kiếm lợi nhuận cao hơn nữa, không chia sẻ với người tiêu dùng.
Từ khuyến nghị của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cũng là mong đợi của đại đa số nhân dân, đề nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, để “giải cứu” những khó khăn cho người tiêu dùng, bảo đảm công bằng lợi ích, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
NGUYỄN THẾ(TP Hải Dương)