Câu chuyện của bóng đá nhí Hải Dương cho thấy sự trung thực dù trước mắt có thể khiến người ta có vẻ đôi phần thua thiệt nhưng nó luôn tốt cho sự phát triển thực chất lâu dài.
Tối 8.9, một lần nữa người hâm mộ Việt Nam nức lòng với chiến thắng 2-0 của đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam trước U22 Trung Quốc. Cầu thủ ghi 2 bàn thắng là Nguyễn Tiến Linh, một người con quê hương Hải Dương. Không chỉ Tiến Linh, trong những năm gần đây, nhiều gương mặt cầu thủ sáng giá, thi đấu hiệu quả trong nước và quốc tế là người Hải Dương như Văn Toàn, Văn Thanh, Đức Huy, Trọng Đại, Hoàng Đức… Đã có thống kê vui mà rất thật là số lượng cầu thủ Hải Dương trong đội tuyển quốc gia gần đủ để thành lập một đội hình thi đấu chính thức. Không phải ngẫu nhiên lại có nhiều cầu thủ Hải Dương thi đấu xuất sắc như vậy. Đó là trái ngọt của việc phát triển phong trào bóng đá thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh suốt những năm qua. Có thể khẳng định như vậy vì hầu hết các cầu thủ Hải Dương này đều trưởng thành từ các đội bóng đá từ U10 - U13 của tỉnh.
Giữa tháng 8 vừa qua, đội U11 Gia Bảo Hải Dương đã giành chức vô địch Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng học sinh tiểu học và THCS toàn quốc Cúp Nestlé Milo lần thứ XVII năm 2019. Sau 17 lần giải tổ chức, đây là lần thứ 5 đội bóng của Hải Dương đạt danh hiệu này. Thành tựu đó không đến sớm với bóng đá nhi đồng, thiếu niên Hải Dương mà phải qua một hành trình dài phấn đấu, nỗ lực.
Còn nhớ trong những năm đầu tiên giải được tổ chức và rải rác sau này, nhiều đội bóng đã lấy học sinh nhiều tuổi hơn quy định vào đội hình thi đấu. Trong thể thao lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên, việc chênh nhau 1-2 tuổi ảnh hưởng nhiều đến kết quả thi đấu vì ở lứa tuổi này, các em phát triển rất nhanh. Hàng loạt đội bóng địa phương đã bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tước danh hiệu, thu hồi Cup, cờ, huy chương, thu lại tiền thưởng và cấm thi đấu trong một thời gian do gian lận tuổi cầu thủ. Giữa cơn bão gian lận vì hám thành tích đó, Hải Dương vẫn âm thầm kiên trì trung thực trong việc lựa chọn và đào tạo các cầu thủ nhí đúng lứa tuổi của mình mặc dù như vậy sẽ bị thiệt thòi về thành tích so với các đội gian lận khác. Các em học sinh không bị thay tên đổi họ, sửa giấy khai sinh mà được đào tạo phù hợp độ tuổi, ra sân với đúng năng lực lứa tuổi mình. Nhờ vậy, bóng đá nhi đồng, thiếu niên của Hải Dương đã âm thầm tiến những bước đi vững chắc. bóng
Trong sự thành công của các cầu thủ Hải Dương hôm nay, bên cạnh yếu tố tài năng, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp từ rất sớm thì việc được rèn luyện, thi đấu một cách trung thực ngay từ những năm đầu tiên đến với trái bóng cũng góp phần không nhỏ. Trên thực tế, có những cầu thủ nhí ở các địa phương khác rất triển vọng nhưng do vướng vào việc gian lận tuổi nên bị thu hồi danh hiệu, sau đó khó lòng tiếp tục theo đuổi môn thể thao này. Và đó hẳn còn là ký ức không mấy tốt đẹp trong tuổi thơ của các em.
Câu chuyện của bóng đá nhí Hải Dương cho thấy sự trung thực dù trước mắt có thể khiến người ta có vẻ đôi phần thua thiệt nhưng nó luôn tốt cho sự phát triển thực chất lâu dài. Năm học 2019-2020 này, ngành giáo dục xác định việc dạy đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Trong đó, có lẽ cần đặc biệt chú trọng việc xây dựng tính trung thực mà những người đầu tiên cần thấm nhuần bài học chính là các cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh… Gian lận thi cử, bệnh thành tích, tô vẽ kết quả học tập cho học sinh… là những biểu hiện không trung thực cần triệt tiêu ngay từ gốc. Môi trường học đường đề cao sự trung thực, công bằng sẽ góp phần quan trọng xây dựng những thế hệ trẻ thực học và biết xấu hổ trước những việc làm gian dối.
THÁI HÒA