Gần 1 thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo Việt Nam tự hào đã đóng góp, cống hiến công sức, trí tuệ và một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong hoàn cảnh nào, dù chiến tranh hay hòa bình, đội ngũ những người làm báo luôn giữ vững lập trường cách mạng, bản lĩnh chính trị, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực tiên phong thực hiện vai trò xung kích trên mặt trận thông tin tuyên truyền - tư tưởng của Đảng.
Hòa chung dòng chảy của báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí Hải Dương không ngừng lớn mạnh cả về lực lượng, quy mô, loại hình báo chí và phương tiện, công nghệ làm báo. Vị thế, vai trò của báo chí ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn của các tổ chức và nhân dân trong tỉnh.
Những lẵng hoa tươi thắm, những lời chúc mừng trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6 là nguồn động viên lớn lao đối với những người làm báo. Bên cạnh niềm vui, niềm vinh dự, tự hào về nghề báo thì điều đó cũng như giao thêm trọng trách cho người làm báo phải nỗ lực hơn để xứng đáng với sự tin yêu của bạn đọc.
Cách đây 2 năm, trong một lần chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) đã không ngần ngại nói thẳng, nói thật, chỉ rõ một số hạn chế của báo chí. Đến nay, những hạn chế ấy vẫn chưa thực sự được khắc phục, đẩy lùi. Một số cơ quan báo chí chậm đổi mới nội dung và hình thức; thương mại hóa, đưa tin một chiều, giật gân, câu khách. Một số ít nhà báo lợi dụng danh nghĩa báo chí tống tiền doanh nghiệp và người dân. Vẫn còn tình trạng thông tin thiếu trách nhiệm, không kiểm chứng dẫn đến sai sót, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc; chưa làm tốt việc phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, nhà báo phải tu dưỡng đạo đức cách mạng; trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Ðảng, Chính phủ; bám sát thực tế, gắn bó với quần chúng lao động.
Nhắc lại những lời dạy thiêng liêng của Bác để thấy rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với trách nhiệm của người cầm bút, những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng trước hết phải là những người có tính Đảng cao nhất. Người đã dạy về cách làm, cách đối nhân xử thế cho người làm báo, hay cái tâm, cái tầm của nhà báo. Đây mãi là “kim chỉ nam” cho các thế hệ nhà báo và cơ quan báo chí trong quá trình tu dưỡng, phấn đấu, trưởng thành, phát triển.
Để báo chí tiếp tục phát triển mạnh mẽ trước những tác động bất lợi trong tình hình mới thì những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 2 năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự: “Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình”. Quả thật, dù trong bối cảnh nào, khó khăn, thách thức ra sao thì giá trị cốt lõi của báo chí vẫn luôn phải được gìn giữ. Đó là chủ động mang đến công chúng những thông tin chân thực, nhân văn và chuẩn xác, định hướng dư luận, đi đầu trong cuộc đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, những người tử tế, việc tử tế, những câu chuyện hay để lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội… Công chúng đến với báo chí để tìm hiểu thông tin, hưởng thụ thông tin, từ đó học tập hiệu quả hơn, làm việc năng suất hơn và sống có ích hơn. Mỗi nhà báo cần nhìn nhận đúng điều này, không được quên đi giá trị cốt lõi đạo đức nghề nghiệp là tính cách mạng, tính tiên phong và tính trung thực.
Từ lâu trong giới báo chí hay nhắc đến câu: “Nội dung là vua, công nghệ là nữ hoàng”. Công nghệ cho nhà báo những “vũ khí” mới để tác nghiệp, những cách thức hiệu quả hơn đưa thông tin đến độc giả. Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực và báo chí cũng không nằm ngoài sự chuyển biến chung đó. Điều này đòi hỏi mỗi nhà báo phải không ngừng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức về công nghệ để ứng dụng hiệu quả trong công việc. Sự thích ứng linh hoạt và theo hướng tiến bộ sẽ giúp nhà báo trưởng thành, khẳng định vị trí và giá trị của mình.
BẢO LINH (TP Hải Dương)