Hơn 1 tháng nay, giá lợn hơi đã tăng trở lại, hiện đạt mốc bán lẻ 45.000 đồng/kg.
Các hộ chăn nuôi lợn thịt nên bán khi được giá
Giá lợn tăng mạnh trong thời gian ngắn nên nhiều hộ nuôi đang có tâm lý găm hàng để chờ giá tăng thêm.
Chờ giá tăng thêm
Khoảng 1 tuần nay, giá lợn tăng từng ngày nhưng bà Phạm Thị Mây ở thôn 19.5, xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) vẫn đang hy vọng giá tiếp tục tăng thêm rồi mới bán để bù lỗ cho những đợt nuôi trước. "Tôi vừa xuất bán 100 con lợn thịt với giá 37.000 đồng/kg vào tuần trước. Giá lợn tiếp tục tăng nên tôi chưa muốn bán tiếp. Hiện tại, nhà tôi còn khoảng hơn 100 con lợn thịt đã đủ trọng lượng xuất bán. Nếu cứ đà tăng giá này, với hơn 100 con lợn thì mỗi ngày tôi lãi cả triệu đồng". Trang trại của bà Mây đang nuôi hơn 1.000 con lợn thịt và 140 con nái ngoại.
Được biết, giá lợn đã nhúc nhích lên nhiều tuần qua, nhưng tăng mạnh nhất khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày tăng thêm từ 500-1.000 đồng/kg. Hiện giá bán buôn cho thương lái từ 42.000-43.000 đồng/kg, bán lẻ cho các lò mổ 45.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg so với đầu tháng trước. Đây là mức giá cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Hiện nay, thức ăn chăn nuôi giảm nên chi phí sản xuất cũng giảm chỉ còn 32.000 đồng/kg thịt lợn. Với giá hiện tại, người nuôi lãi khoảng 1 triệu đồng/con lợn (100 kg).
Do giá lợn liên tục tăng nên ông Phạm Văn Khoản ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) cũng có tâm lý chờ đợi giá lên nữa. Ông Khoản cho biết: "Tôi còn khoảng 80 con lợn có thể xuất chuồng. Mấy ngày nay, nhiều thương lái đến gạ mua nhưng tôi chưa muốn bán. Trước đây, giá lợn sụt giảm, tôi mất hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, giá lợn đang tăng nên tôi nuôi thêm ít bữa nữa mới bán, hy vọng gỡ gạc lại chút vốn".
Nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đều có tâm lý găm hàng, chờ đợi giá lợn tăng thêm. Theo ông Khoản, thời gian tới giá lợn có thể tiếp tục tăng nữa bởi ngoài tiêu thụ trong nước, lợn còn được các thương lái xuất sang Campuchia và Trung Quốc. Thời điểm từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn giảm liên tục khiến nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề, phá chuồng hoặc chuyển sang nuôi gà, vịt. Những hộ chăn nuôi lớn cũng giảm đàn chỉ nuôi cầm chừng dẫn đến nguồn cung giảm đáng kể.
Tiềm ẩn rủi ro
Ông Nguyễn Văn Lượng, một thương lái ở Bắc Giang, chuyên thu mua lợn ở khu vực tỉnh Hải Dương xuất sang Trung Quốc cho biết: "Hiện, nhiều hộ chăn nuôi đang găm hàng, chờ tăng giá. Trước đây, tôi thu mua được 200-300 con lợn/ngày, nhưng giờ giảm chỉ còn hơn 1 nửa so với trước. Tôi phải mua gom ở nhiều nơi mới đủ số lượng hàng để xuất bán". Ông Lượng cũng cho biết thêm các thị trường Trung Quốc và Campuchia đang vào thời điểm tiêu thụ mạnh trong năm nên nhu cầu tăng cao. Dù vậy, việc xuất bán vẫn qua đường tiểu ngạch nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá lợn tăng trong thời điểm này rất có thể chỉ là tăng "nóng".
Theo bà Phạm Thị Đào, Phó Trưởng Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn tăng chủ yếu do thời gian qua nguồn lợn trong dân đã giảm mạnh sau khoảng 2 năm thua lỗ. Ngoài ra, còn có yếu tố găm hàng đẩy giá của một số đơn vị có nguồn lợn lớn. "Mọi năm vào thời điểm này, giá lợn có xu hướng giảm do bắt đầu vào mùa nắng nóng. Nhưng năm nay giá lợn lại tăng mạnh, bởi vậy người nuôi phải theo dõi chặt chẽ, giá có thể lên xuống thất thường. Người nuôi vẫn phải thận trọng, không nên tái đàn ồ ạt. Các trại đang có lợn đến kỳ xuất bán nên bán khi được giá, không nên găm hàng vì có thể có rủi ro", bà Đào khuyến cáo.
Theo Cục Thống kê tỉnh, tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh hiện ước đạt 518.348 con, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau thời kỳ dài ảm đạm do giá lợn giảm sâu, người chăn nuôi thua lỗ nặng, bỏ chuồng trại thì những ngày gần đây, nhiều cơ sở, người chăn nuôi đã bắt đầu có dấu hiệu tái đàn trở lại. Người chăn nuôi cần theo dõi sát diễn biến thị trường; khi tái đàn cần có kế hoạch cụ thể để tránh tình trạng nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu.
TRẦN HIỀN