Trước đây, Gia Lộc xây dựng trường chuẩn quốc gia (CQG) thuộc diện chậm của tỉnh. Nhưng hiện nay, huyện đã vươn lên tốp đầu của tỉnh về số lượng trường chuẩn.
Trường THCS xã Yết Kiêu được đầu tư 24 tỷ đồng để xây dựng ở địa điểm mới
Vượt xa chỉ tiêu
Những ngày này về Gia Lộc, điều chúng tôi nhận thấy là các xã, thị trấn đã "thay da đổi thịt" rõ rệt. Một trong những thay đổi mạnh mẽ mang lại niềm vui cho nhân dân là hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị của hầu hết trường học ngày một khang trang, hiện đại hơn.
Thời gian qua, xã Yết Kiêu đã đầu tư mạnh mẽ cho sự nghiệp giáo dục. Trường mầm non của xã đang tập trung hoàn thiện khu nhà hiệu bộ và 8 phòng học mới trị giá gần 20 tỷ đồng để chuẩn bị cho năm học 2019 - 2020. Trước đó, năm 2017, Trường THCS xã được đầu tư 24 tỷ đồng xây dựng ở địa điểm mới rộng 1 ha.
Tương tự như Yết Kiêu, 3 năm nay, xã Gia Tân tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Với quyết tâm dồn 3 điểm lẻ ở 3 thôn thành 1 điểm, trong 2 năm 2016-2017, địa phương huy động hơn 14 tỷ đồng xây dựng trường mầm non. Xã cũng đầu tư hàng trăm triệu đồng cho các trường tiểu học, THCS nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung thêm trang thiết bị. "Hằng năm, Gia Tân đều kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị và những điều kiện cần thiết phục vụ yêu cầu dạy học, xây dựng trường CQG. Khi có kinh phí, xã ưu tiên hàng đầu cho giáo dục. Hiện cả 3 trường mầm non, tiểu học, THCS của xã đã đạt CQG", bà Nguyễn Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Gia Tân cho biết.
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2016 đến nay, huyện Gia Lộc đã xây dựng thêm và đưa vào sử dụng 140 phòng học kiên cố cao tầng (mầm non 65 phòng, tiểu học 51 phòng, THCS 24 phòng), 88 phòng chức năng, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Các trường cơ bản có khuôn viên, diện tích, sân chơi, bãi tập bảo đảm yêu cầu theo hướng chuẩn hóa.
Hiện nay, huyện đã có tổng số 63 trường học ở các cấp, bậc học đạt CQG, chiếm 85,1% (năm 2015, toàn huyện mới có 41 trong tổng số 74 trường đạt CQG). Gia Lộc cũng sớm có 100% số trường tiểu học đạt CQG. Kết quả này đã vượt xa mục tiêu đến năm 2020 có 75,7% số trường đạt CQG theo Đề án số 11-ĐA/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIII về “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung xây dựng trường CQG giai đoạn 2016 - 2020”.
Linh động
Kết quả trên thể hiện sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, nhất là trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Khó khăn lớn nhất trong xây dựng trường CQG là huy động kinh phí để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng diện tích bảo đảm yêu cầu. Hằng năm, huyện đều có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các trường xây dựng CQG. Huyện chỉ đạo việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, theo đúng lộ trình xây dựng trường chuẩn của từng năm. Trường CQG trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng bộ, chính quyền các xã, thị trấn. Ngoài nguồn hỗ trợ của cấp trên, các địa phương tập trung khai thác nguồn lực tại chỗ, quan tâm tạo nguồn kinh phí từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, kêu gọi doanh nghiệp, con em quê hương ủng hộ.
Đối với những trường còn thiếu diện tích, khó khăn về kinh phí, huyện quan tâm hỗ trợ, tìm giải pháp khắc phục. Những trường không đủ diện tích đều được bổ sung hoặc di chuyển ra chỗ mới. Trường THCS xã Đức Xương được di chuyển ra chỗ mới để nhường cho trường tiểu học, Trường THCS Yết Kiêu cũng được ra địa điểm mới để đủ diện tích. "Khi xây dựng trường THCS ra chỗ mới, người dân đã đồng ý nhận đền bù, giúp xã nhanh chóng thu hồi 1 ha đất nông nghiệp. Con em địa phương cũng ủng hộ trường nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học có giá trị", ông Bùi Công Tuấn, Chủ tịch UBND xã Yết Kiêu nói.
Ngoài quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, huyện coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên. Đây là yếu tố giúp việc xây dựng trường CQG thuận lợi, bền vững. Ông Đỗ Thế Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Phòng tham mưu với huyện chỉ đạo nâng cao chất lượng ở các cấp học, bậc học gắn với tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin. Các cơ sở giáo dục thực hiện tốt việc đánh giá đầu vào, đầu ra ở mỗi cấp, tập trung nâng cao chất lượng đại trà và học sinh giỏi. Địa phương rà soát, sắp xếp đội ngũ nhà giáo và quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp".
Từ nay đến hết năm 2019, Gia Lộc phấn đấu các trường còn lại đều đạt CQG; duy trì chất lượng và xây dựng một số trường mầm non, tiểu học đạt CQG mức độ II.
DANH TRUNG - THẾ ANH