Áp lực lạm phát vẫn phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên, nhiên, vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, nên cần theo dõi sát và nắm chắc tình hình để chủ động xử lý, không được chủ quan, lơ là.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, quản lý giá cả hàng hóa nhằm kiểm soát lạm phát - Ảnh: N.TRÍ
Nội dung trên được nêu trong công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá gửi các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành và chủ tịch UBND các tỉnh theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Trong đó, các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics cần rà soát kê khai giá để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến CPI và người dân, doanh nghiệp, cần theo dõi sát diễn biến giá cả. Nắm bắt tình hình giá cả để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, tăng cường kiểm tra, kiểm soát kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Cụ thể, với giá lương thực thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu đánh giá kỹ tình hình sản xuất, điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường.
Với mặt hàng thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch. Tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu.
Đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng.
Làm rõ các bất cập, hạn chế để đề xuất các giải pháp khắc phục bảo đảm giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán. Tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.
Với giá vật liệu xây dựng, cần đánh giá nguồn cung và xử lý kịp thời các trường hợp găm hàng, giữ hàng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá tăng cao bất hợp lý ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình, dự án. Thực hiện công bố giá, rút ngắn quy trình công bố giá.
Với các dịch vụ lưu trú, du lịch tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, xử nghiêm các hành vi lợi dụng các dịp cao điểm, diễn biến giá xăng dầu để tăng giá bất hợp lý.
Tăng cường rà soát giá thuốc, vật tư y tế kê khai theo quy định, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh để bảo đảm cung ứng đủ thuốc và vật tư y tế với giá hợp lý phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Với sách giáo khoa, cần tiếp tục tiếp nhận, rà soát kê khai giá theo quy định của pháp luật. Các đơn vị xuất bản tiếp tục rà soát và triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí nhằm tiếp tục giảm giá, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; chia sẻ với người dân.
Điều hành giá mặt hàng xăng dầu bám sát giá thế giới, sử dụng linh hoạt công cụ quỹ bình ổn để có phương án phù hợp, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng. Chủ động có phương án điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Theo Tuổi trẻ