Y tế - Sức khỏe

Gia đình và nhà trường “liên thủ” chống dịch

TIẾN MẠNH 29/09/2023 20:00

Một số loại bệnh truyền nhiễm đang bùng phát tại Hải Dương. Các cơ sở giáo dục trong tỉnh phối hợp chặt chẽ các gia đình triển khai nhiều biện pháp bảo vệ an toàn sức khoẻ của học sinh.

Dịch chồng dịch

W_img_6058(1).jpg
Một học sinh mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi Hải Dương

Bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát và lây lan trên diện rộng tại nhiều địa phương ở Hải Dương từ trung tuần tháng 9 đến nay. Ngày 28/9, chỉ tính riêng ở TP Hải Dương, hai huyện Gia Lộc và Thanh Miện đã ghi nhận thêm 583 ca mắc mới, trong đó có nhiều chùm ca bệnh và đều là học sinh.

Các địa phương còn lại chưa có báo cáo số liệu ca bệnh. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy gần như nơi nào cũng có học sinh bị đau mắt đỏ. Theo tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ ngày 18-28/9, Hải Dương đã ghi nhận 2.652 bệnh nhân đau mắt đỏ, 73 chùm ca bệnh tại 72 cơ sở giáo dục, 1 chùm tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và 1 chùm tại cộng đồng.

Khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày Bệnh viện Mắt và Da liễu Hải Dương, Trung tâm Y tế cấp huyện và các phòng khám chuyên khoa mắt ở Hải Dương đón hàng trăm người bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị, phần lớn là trẻ em và học sinh. Nhiều bệnh nhân đã bị biến chứng về giác mạc.

Một số bệnh truyền nhiễm khác như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết cũng lây lan mạnh từ trung tuần tháng 9 tới nay. Chỉ trong các ngày từ 25-28/9, Hải Dương đã ghi nhận thêm 49 ca mắc tay - chân miệng, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm lên 507 ca, tăng 257 ca so với cùng kỳ năm ngoái.

“Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 trẻ em nhập viện điều trị tay - chân - miệng, cao nhất kể từ đầu năm. Số bệnh nhân trong thực tế khả năng còn cao hơn vì nhiều cha mẹ chưa cho con đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị tại nhà”, bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Hải Dương) cho hay.

Ngày 28/9, Hải Dương ghi nhận thêm 10 ca mắc sốt xuất huyết ở các huyện Cẩm Giàng, Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Hà. Có 10 ổ dịch đang hoạt động ở 6 huyện, thành phố. Tính từ đầu năm đến ngày 28/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 436 ca mắc bệnh này, tăng 77 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù số bệnh nhân là trẻ em và học sinh bị mắc bệnh này ít, song không phải vì thế mà cha mẹ được phép chủ quan.

Thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nắng xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh đau mắt đỏ, tay - chân - miệng và muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Hình thái thời tiết hiện nay cũng khiến sức đề kháng của trẻ bị suy giảm. Việc học sinh đến trường và tiếp xúc với số đông đã làm các loại bệnh truyền nhiễm lây lan. Các dịch bệnh này vẫn đang trong giai đoạn cao điểm.

Nhiều biện pháp ngăn chặn

W_img_6353.jpg
Các cơ sở giáo dục đều tăng cường mua bổ sung xà phòng rửa tay để hạn chế bệnh truyền nhiễm lây lan

Các cơ sở giáo dục tại Hải Dương đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn các loại dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, bảo vệ sức khoẻ của học sinh và hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục.

Theo hướng dẫn của ngành y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chỉ đạo các trường tập trung phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm. “Chúng tôi yêu cầu các trường phải kiểm soát chặt chẽ từng lớp, từng học sinh và báo cáo số liệu ca bệnh hằng ngày để tham mưu với cấp trên các giải pháp ngăn chặn kịp thời. Khuyến cáo cha mẹ cho con nghỉ học nếu bị bệnh để tránh lây nhiễm. Các trường phải có phương án bổ trợ kiến thức cho những em này sau khi các em đi học trở lại. Giáo viên nếu bị đau mắt đỏ cũng nghỉ ở nhà và tính toán đổi tiết để không làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của đơn vị”, ông Phạm Phú Tùng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ninh Giang nói.

W_img_6360.jpg
Giáo viên Trường THCS thị trấn Ninh Giang tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ và cách phòng tránh cho học sinh ngay trên lớp

Hằng ngày, các giáo viên ở Trường THCS thị trấn Ninh Giang đều tranh thủ thời gian trình chiếu hình ảnh, thông tin về bệnh đau mắt đỏ để tuyên truyền cách phòng tránh cho học sinh ngay trên lớp. Giờ ra chơi, loa truyền thanh nội bộ của trường cũng phát những thông tin này. Giáo viên chủ nhiệm các lớp và phụ huynh tăng cường trao đổi thông tin hai chiều về sức khoẻ của học sinh, cách phòng bệnh trên nhóm Zalo…

W_img_6403(1).jpg
Công tác vệ sinh phòng bệnh được các cơ sở giáo dục ở Hải Dương quan tâm trong giai đoạn hiện nay

Nhiều trường như Mầm non thị trấn Gia Lộc, THCS Tân Bình (TP Hải Dương), THCS Thành Nhân (Ninh Giang)… đã phun thuốc khử trùng, diệt muỗi trong khuôn viên, nhà lớp học, mua bổ sung thêm xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn tại các bồn chậu rửa tay. Nhà lớp học, đồ dùng học tập, đồ chơi đều được giáo viên vệ sinh, khử khuẩn hằng ngày. Chị Trần Thị Yến, giáo viên Trường Mầm non thị trấn Gia Lộc cho biết: “Chúng tôi mua dung dịch rửa mắt, thuốc nhỏ mắt theo hướng dẫn. Hằng ngày đều nhỏ cho các con để phòng bệnh tốt hơn”.

Trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhận thức, ý thức trong chăm sóc sức khoẻ cho con đã được các bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn. “Tôi đi làm cả ngày nhưng thường xuyên gọi điện về dặn con rửa mắt, nhỏ thuốc theo hướng dẫn. Nhà trường gửi thông báo, hướng dẫn phòng bệnh trên nhóm Zalo là tôi cập nhật và làm theo”, chị Trần Thị Thuỷ có con gái học ở Trường THCS Thành Nhân (Ninh Giang) bị đau mắt đỏ đang nghỉ học ở nhà cho biết.

TIẾN MẠNH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia đình và nhà trường “liên thủ” chống dịch