Giá điện có tăng?

04/01/2023 08:13

Đó là câu hỏi của nhiều người dân trong những ngày gần đây, khi được tin năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ tới hơn 31.600 tỷ đồng, gần bằng lợi nhuận của 18 tập đoàn, tổng công ty.

EVN đang kiến nghị Bộ Công thương cho tăng giá bán điện từ đầu năm 2023, trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo EVN, số lỗ này là do nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí tăng cao, nhất là than tăng cao gấp 3 lần năm 2020. Để khắc phục tình trạng này, EVN đề nghị tăng giá bán điện, nếu không được giải quyết kịp thời thì dòng tiền phục vụ sản xuất, kinh doanh bị tắc nghẽn, kể cả việc thanh toán chi phí cho các đơn vị bán điện cho EVN.

Xung quanh việc EVN đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định tăng giá điện bán lẻ vào năm 2023 có nhiều ý kiến. Có ý kiến nói rằng nên điều hành giá điện như giá xăng dầu. Nhưng đặc điểm của sản xuất điện khác với xăng dầu nên không thể thực hiện được. Lại có ý kiến cho rằng cần mở cơ chế phát triển thị trường điện cạnh tranh, trong đó có cả yếu tố đầu vào cho sản xuất điện, tránh tình trạng độc quyền, cạnh tranh bán điện giữa các nhà máy điện... Cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh việc lỗ do giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, còn có vấn đề gì khác không trong quản lý, điều hành? Đó là câu hỏi cần có lời giải.

Giá điện sản xuất thường gắn với lợi nhuận kinh doanh, nên EVN có thể tính toán thu theo một mức nào đó. Còn điện tiêu dùng gắn với an sinh xã hội, chỉ số lạm phát, rất nhạy cảm, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực tiêu dùng và mọi dịch vụ, sản xuất nhỏ lẻ của người dân đều phụ thuộc vào điện, nên giá điện cần ổn định.

Gần 4 năm qua, kể từ ngày 20.3.2019 (đợt tăng giá điện gần đây nhất), Chính phủ chưa quyết tăng giá điện trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhằm kiềm chế mặt bằng giá, hỗ trợ an sinh, phục hồi kinh tế. Chính sách kiềm chế giá năng lượng trong tổng thể kiềm chế lạm phát là chính sách chung dù cho doanh nghiệp phải gồng lỗ.

Ngày 4.12.2022, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu và các nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời vì đây là nguồn năng lượng sạch, không phải mua và không ai có thể lấy đi. Phải xem xét lại cả 5 yếu tố: nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phải ở mức người dân chịu được. Thủ tướng còn nói: Các nhà đầu tư tái tạo đang có lãi cao, trong khi người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó phải xem xét lại về giá điện.

Đương nhiên, điện sạch (điện gió, điện mặt trời) khác với nhiệt điện than, dầu, khí, nhưng những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là những gợi ý quý báu để EVN chủ động đề ra những phương án tối ưu cho việc xây dựng giá thành và giá bán điện.

Mở rộng cạnh tranh thị trường mua bán nguyên nhiên liệu, mua bán điện (kể cả điện sạch), đổi mới công nghệ, quản lý cần được ngành điện quan tâm, giải quyết triệt để, thấu đáo, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đi đôi với nó là triệt để thực hành tiết kiệm điện trong sản xuất, sinh hoạt. Về tăng giá điện, tăng bao nhiêu, vào thời điểm nào là vấn đề không nhỏ cần được tính toán kỹ càng, cân đối của cơ quan có thẩm quyền trên cơ sở thị trường, khả năng cân đối của ngân sách và vấn đề nội tại của doanh nghiệp. 

HOÀNG VŨ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá điện có tăng?