Giả danh cán bộ cơ quan pháp luật để chiếm đoạt tài sản

09/05/2020 19:43

Một số người dân trong tỉnh bị các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân… gọi điện tới đe dọa nhằm lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Một quyết định giả được các đối tượng sử dụng và gửi qua Zalo để đe dọa nạn nhân

Thời gian gần đây, một số người dân trong tỉnh bị các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân… gọi điện tới đe dọa nhằm lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Ngày 20.3, chị Đ.T.M. ở phường Sao Đỏ (Chí Linh) nhận được cuộc gọi thông báo có bưu phẩm gửi từ Tòa án Nhân dân TP Hà Nội. Sau đó, một người từ số điện thoại đầu 008 gọi cho chị M., tự xưng là thiếu tá Đặng Xuân Cường, cán bộ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội. Người này đọc quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và yêu cầu chị M. có mặt tại tòa ngay trong ngày. Nguyên nhân do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi kiện chị chưa thanh toán số nợ hơn 45 triệu đồng. Sau đó, một người khác tự xưng Võ Thành Nam, cán bộ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an gọi điện cho chị M. xác nhận chị có 8,6 tỷ đồng trong tài khoản của Ngân hàng TMCP Bắc Á, đồng thời yêu cầu không được để lộ cuộc điện thoại. Người đàn ông tên Nam đọc lệnh bắt khẩn cấp chị M. vì có liên quan đến đường dây ma túy, rửa tiền do Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á cầm đầu. Qua Zalo, người này đã gửi cho chị M. hai quyết định bắt tạm giam khẩn cấp và niêm phong tài sản. 

Trong khi chị M. một mực kêu oan thì người đàn ông tên Nam yêu cầu chị kê khai tài sản và giao dịch ngân hàng, đồng ý cho chị M. được tại ngoại đợi điều tra. Với lý do để giám sát tài sản, đối tượng yêu cầu chị M. chuyển 440 triệu đồng vào tài khoản của một vị chánh án tên Phan Văn Hiền và chụp lại biên lai gửi tiền để làm chứng cứ niêm phong tài sản trong quá trình điều tra. Anh này cho biết nếu kết quả điều tra chị M. không vi phạm sẽ trả lại tiền. Sau khi làm theo yêu cầu thì chị M. mới biết mình bị lừa, còn các đối tượng cũng biến mất với số tiền chiếm đoạt được.

Trước đó, tháng 10.2019, cũng với thủ đoạn tương tự, anh Đ.T.Đ. ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã bị lừa mất tới 1,5 tỷ đồng. Anh Đ. đã đến trình báo cơ quan công an ngay sau khi không thể liên hệ lại được với các đối tượng lừa đảo.

Qua các vụ việc xảy ra có thể thấy các đối tượng thường hoạt động theo nhóm, sử dụng số điện thoại có đầu +89, +34, 006… để liên lạc với nạn nhân. Ban đầu, một trong số chúng giả làm nhân viên bưu điện gọi điện đến thông báo nạn nhân nợ tiền cước viễn thông hoặc nợ tiền trong thẻ tín dụng ngân hàng. Tiếp đó, chúng nối máy cho họ gặp một đối tượng khác trong nhóm lúc này giả làm cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án Nhân dân và đe dọa nạn nhân có liên quan đến các vụ án hình sự, yêu cầu phải khai báo thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại di động để xác minh.

Tiếp tục đánh đòn tâm lý, các đối tượng còn gửi lệnh tạm giam, quyết định truy nã… qua tài khoản Zalo của nạn nhân, đồng thời cung cấp một ứng dụng trên điện thoại, yêu cầu nạn nhân cài đặt. Mục đích để các đối tượng theo dõi quá trình dùng điện thoại của nạn nhân. Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân chuyển số tiền có trong tài khoản vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng để kiểm tra, nếu không liên quan đến tội phạm hay hành vi phạm tội sẽ hoàn trả. Đáng chú ý là hầu hết những người bị lừa đảo đều được yêu cầu không thông tin vụ việc cho bất kỳ ai để phục vụ công tác điều tra. Do lo sợ, mất cảnh giác, nhiều người đã chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp. Sau khi tiền vào tài khoản, các đối tượng nhanh chóng rút sạch. 

Theo trung tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, người dân cần lưu ý tất cả số điện thoại giả mạo số máy của cơ quan chức năng đều có thêm dấu(+) trước dãy số vì chúng được thực hiện qua mạng internet (VoIP). Nếu chỉ kiểm tra số máy gọi đến qua tổng đài1080 sẽ không phát hiện được sự giả mạo này. Cơ quan công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại. Khi có yêu cầu làm việc sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng không có tài khoản ngân hàng mang tên cá nhân và không yêu cầu đương sự phải chuyển tiền để chứng minh vô tội. Nếu phát hiện nghi vấn liên quan đến trục lợi, lừa gạt, người dân tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào về chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại; cần tắt máy và trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời được hỗ trợ xử lý.

ĐINH NGA

(0) Bình luận
Giả danh cán bộ cơ quan pháp luật để chiếm đoạt tài sản