Dù đã xuống cấp nhưng đến nay cây cầu giáp ranh giữa xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) và xã Long Xuyên (Bình Giang) này vẫn phải oằn mình làm nhiệm vụ mỗi ngày càng nặng nề hơn.
Ùn tắc trên cầu Cậy diễn ra hằng ngày vào giờ cao điểm
"Vượt trận địa"
Vào đầu giờ sáng các ngày làm việc trong tuần, chỉ riêng việc vượt được qua 110 m cầu Cậy để đến công ty ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), chị Hà Thị Thư ở xã Long Xuyên phải mất chừng 15 phút. Chỉ cần một chiếc ô tô tải đang ở trên cầu thì thời gian đi qua còn lâu hơn. Cách đây gần 1 năm, chị Thư và bạn cùng làng đi chung một xe máy, với mong muốn di chuyển qua cầu Cậy dễ dàng hơn, nhưng lần nào cũng gặp cảnh ùn tắc. "Chồng tôi làm ở khu công nghiệp Phúc Điền, sáng sáng phải đưa con đi học nên còn vất vả hơn. Hai bố con thường đi rất sớm để tránh cảnh ùn tắc trên cầu Cậy. Nhiều lần bố đưa con đến khi trường chưa mở cổng. Thương con nhưng không có cách nào khác, không đưa con đi sớm thì bố muộn giờ làm", chị Thư kể.
Do cầu hẹp, xe đông, ùn tắc thường xuyên gây khó khăn cho lưu thông, phát triển kinh tế - xã hội, từ ngày 1.2.2018 UBND tỉnh đã giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) triển khai quy định không cho xe tải có tổng tải trọng từ 7 tấn (cả xe và hàng) trở lên lưu thông qua cầu Cậy vào giờ cao điểm từ 6 giờ 30 - 7 giờ 30 và từ 16 giờ 30 - 18 giờ. Thế nhưng, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra.
Vì thế, hình ảnh đoàn người và xe nối nhau chờ qua cầu Cậy, tiếng động cơ ồn ã, còi xe inh ỏi, khói bụi mù mịt không còn lạ lẫm. Nhiều người chọn cách đi sớm hơn hoặc về muộn hơn để tránh phải qua cầu lúc ùn tắc, nhưng không phải ai cũng có thể sắp xếp được thời gian như thế. Chờ chừng 15 phút vẫn chưa lên được đến đầu cầu, anh Phạm Anh Nguyên, lái xe chở thức ăn gia súc cho một doanh nghiệp ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) liên tục nhoài hẳn người ra ngoài cửa xe nhìn dòng người dài tít tắp rồi lại ngồi xuống. Muốn đi sớm hơn để tránh giờ tan tầm thì kho chưa xuất hàng, còn đi muộn hơn để tránh ùn tắc thì lại muộn giờ giao hàng. Vì vậy, với anh Nguyên và các đồng nghiệp, mỗi khi chở hàng qua cầu Cậy vào giờ cao điểm không khác gì phải "vượt trận địa". Anh Nguyên cho rằng tình trạng ùn tắc này một phần do cách lưu thông không nhường nhịn của người dân. Hiện nay, nếu thấy làn ngược chiều không có xe, người đi xe máy, xe đạp, thậm chí cả ô tô cũng lao sang dẫn đến ùn tắc khi gặp xe ngược chiều. "Trước đây, tôi đã nghe nói sẽ có cầu mới để giải quyết được tình trạng ách tắc này, nhưng không hiểu sao cầu vẫn chưa được xây dựng", anh Nguyên thắc mắc.
Ước mơ một cây cầu mới
Thắc mắc của anh Nguyên cũng là mong ước của nhiều người dân về một cây cầu mới khang trang, hiện đại hơn. Việc xây dựng cầu Cậy mới cùng đường dẫn 2 đầu cầu để giải tỏa ách tắc, thuận tiện đi lại cho nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng đã được UBND tỉnh và các ngành chức năng tính đến. Song vì nhiều lý do, chủ trương trên chưa thực hiện được.
Từ năm 2017, dự án xây dựng cầu Cậy được UBND tỉnh phê duyệt đề xuất báo cáo nghiên cứu khả thi theo hình thức BOT (hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) và đã hoàn thành lựa chọn sơ tuyển nhà thầu. Nhưng Nghị quyết 437 ngày 21.10.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu: các dự án BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Vì vậy, dự án phải tạm dừng. Sau đó, cầu Cậy được đề xuất xây dựng theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao). Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều khó khăn nếu thực hiện theo hình thức này. Đồng thời, Bộ Tài chính đã có ý kiến tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Vì vậy, dự án cầu Cậy một lần nữa phải tạm dừng.
Gần đây, Sở GTVT đã đề xuất UBND tỉnh phương án đầu tư xây dựng cầu Cậy mới và tuyến đường tránh tỉnh lộ 394. Theo phương án này, cầu Cậy mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, rộng 12m, dài khoảng 160 m, cách cầu cũ 750 m về phía hạ lưu sông Sặt (phía TP Hải Dương). Cầu Cậy cũ sẽ được giữ nguyên để giảm tải cho cầu mới. Tuyến đường tránh đường tỉnh 394 có tổng chiều dài trên 3,2 km, điểm đầu giao cắt với đường tỉnh 394 tại km 7+650 đoạn thị trấn Lai Cách. Tuyến đi qua đất nông nghiệp của xã Cẩm Đông, qua cầu mới, qua đất nông nghiệp xã Long Xuyên và giao với đường tỉnh 395. Khái toán chi phí đầu tư xây dựng khoảng 178 tỷ đồng. Để tạo nguồn vốn đầu tư, Sở GTVT kiến nghị khai thác sử dụng quỹ đất nông nghiệp 2 bên tuyến đường mới để thực hiện dự án khu dân cư. Trong đó, huyện Cẩm Giàng khai thác 40 ha thuộc xã Cẩm Đông. Huyện Bình Giang khai thác 30 ha thuộc xã Long Xuyên. Sở GTVT cũng kiến nghị lựa chọn phương án huyện Cẩm Giàng sẽ đầu tư phần đường dẫn đầu cầu và 30% chi phí xây dựng cầu, khoảng 102 tỷ đồng. Huyện Bình Giang đầu tư phần đường dẫn đầu cầu thuộc huyện và 70% chi phí đầu tư cầu, khoảng 75,5 tỷ đồng.
Đề xuất xây dựng nói trên có tính khả thi cao, do sẽ phân bổ lưu lượng phương tiện phù hợp giữa tuyến mới và cũ. Khi thi công sẽ không ảnh hưởng tới việc đi lại hiện nay. Đồng thời, giải quyết khó khăn về nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng. Vì vậy, người dân hy vọng dự án có thể được triển khai, đáp ứng nhu cầu bức thiết về giao thông vận tải tại khu vực trên.
TIẾN HUY
Cầu Cậy xây dựng từ năm 1986, dài 110 m gồm 7 nhịp dầm thép liên hợp bê tông. Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng do chịu tải lớn, liên tục trong hơn 30 năm. Mặt xe chạy hiện là 4 m, chỉ lưu thông được 1 chiều đối với xe tải và xe khách. |